Vững bước trên những chặng đường mới
Hơn 6 thập kỷ xây dựng, cống hiến và trưởng thành, gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của Quân đội ta và nền VHNT cách mạng, Trường Đại học VHNT Quân đội đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; luôn khẳng định được vị thế của một trung tâm phát hiện, nuôi dưỡng, vun trồng những tài năng nghệ thuật cho Quân đội và đất nước.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tập thể cán bộ, giáo viên và học viên lớp Biên đạo Múa khóa 1 đã xây dựng thành công vở kịch múa nổi tiếng “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” biểu diễn chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và đi lưu diễn trên toàn miền Bắc cùng một số địa phương của nước bạn Trung Quốc, sau đó dựng thành phim. Đây là công trình có ý nghĩa như “tác phẩm đầu tay” của Nhà trường, mở đầu cho hàng trăm công trình nghệ thuật xuất sắc sau này đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực VHNT cho quân đội và đất nước; cũng như biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Tác phẩm trên đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Lớp học đầu tiên của Nhà trường hầu hết là những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu, tâm huyết, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực VHNT toàn quân và cả nước trên các chiến trường trong kháng chiến chống Pháp đã được tuyển chọn về đào tạo. Trong số đó, sau này, nhiều đồng chí đã trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Đó là các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Tô Hải, Lương Ngọc Trác, Văn An, Lưu Cầu, Nguyễn Đức Toàn, Nguyên Nhung, Vũ Lương, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Đôn Truyền, Thuận Yến…; các ca sĩ: Quốc Hương, Ngọc Dậu, Hồ Mộ la, Lê Quang Hưng, Quốc Viễn, Thanh Huyền, Tân Nhân…; các diễn viên: Phùng Đệ, Bùi Tòng, Thanh Nga…
Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà trường đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các chiến trường, đặc biệt là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của quân và dân ta trên các mặt trận, cả hậu phương và tiền tuyến. Hàng ngàn cán bộ, giáo viên, học viên đã có mặt ở các chiến trường phục vụ bộ đội và nhân dân; có những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi trở thành trường đại học (03/01/2006), Nhà trường đã có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô ngành nghề, không gian đào tạo và lưu lượng HV, SV. Hiện nay, Nhà trường đã có hơn 50 chuyên ngành đào tạo VHNT từ trung cấp, cao đẳng, đến đại học, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo lực lượng cán bộ, diễn viên cho các đoàn văn công, đoàn quân nhạc; cán bộ, nhân viên văn hóa, nhân viên văn thư lưu trữ các đơn vị quân đội; các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; giáo viên sư phạm nhạc họa; cán bộ văn hóa; phóng viên báo chí phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cán bộ diễn viên VHNT cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội hoàng gia Campuchia. Nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy thu hút ngày càng đông đảo thí sinh trong cả nước đăng ký dự thi.
Công tác đào tạo đã có bước phát triển đột phá về chất lượng; nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo không ngừng được đổi mới, gắn kết với thực tiễn xã hội và đơn vị cơ sở. Đa số HV, SV tốt nghiệp ra trường được các đơn vị trong và ngoài quân đội đón nhận và cơ bản hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ năm 2006 đến nay, Nhà trường đã đào tạo hơn 7900 HV, SV; trong đó có hơn 3060 học viên quân sự; hơn 3100 sinh viên nguồn nhân lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hơn 120 học viên quốc tế; đặc biệt đã đào tạo hơn 1600 học viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tốt nghiệp ra trường các em đã trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa ở các địa bàn chiến lược.
Công tác liên kết đào tạo được mở rộng với nhiều cơ sở đào tạo VHNT trong và ngoài nước. Những năm gần đây, Nhà trường đã tuyển chọn hàng chục cán bộ, giảng viên trẻ có trình độ gửi đi đào tạo sau đại học ở Liên bang Nga, Trung Quốc nhằm tạo nguồn giảng viên có chất lượng cao cho những năm tới. Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo và biểu diễn nghệ thuật được mở rộng và tăng cường; hằng năm, có nhiều đoàn khách quốc tế đã đến thăm quan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Nhà trường.
Từ mái trường nghệ thuật quân đội, nhiều thế hệ HV, SV đã thành đạt, trở thành các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý về VHNT; nhiều người được Đảng và Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT)… Điển hình như: Thiếu tướng, nhạc sĩ, NGƯT Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; Đại tá, PGS, TS, NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Đại tá, NSND Nguyễn Tiến, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Đại tá, nhạc sĩ, NGƯT, Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội; Cố NSND Lê Dung; Đại tá NSND Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Đại tá NSND Ngọc Lan, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng; Đại tá, NSND Quỳnh Như, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4; Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân…
Chỉ tính riêng những năm gần đây, tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, nhiều giảng viên của Nhà trường đã tham gia và đạt nhiều giải cao, điển hình như: Giảng viên Nguyễn Thanh Hằng - giải Đặc biệt và giải Nhất Cuộc thi Múa quốc tế lần thứ X dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên và Cuộc thi Biên đạo Múa quốc tế năm 2013, tổ chức tại nước Cộng hòa Lát-via, huy chương Vàng cuộc thi tài năng trẻ biên đạo Múa toàn quốc năm 2016; giảng viên Dương Đại Lâm - giải Nhất Cuộc thi Âm nhạc cổ điển quốc tế lần thứ XXI tại Liên bang Nga, giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc tế lần thứ V dành cho giáo viên tại Ba Lan năm 2016; giảng viên Phương Mai - giải Nhất Cuộc thi Thính phòng toàn quốc năm 2009, giải Nhì Cuộc thi hát cổ điển quốc tế - Concours mùa Thu Rachmaninov lần thứ 14 tại Liên bang Nga năm 2013, giải Nhì Cuộc thi âm nhạc quốc tế lần thứ V dành cho giáo viên tại Ba Lan năm 2016; giảng viên Xuân Hảo - giải Nhất phong cách Thính phòng Sao Mai năm 2009. Tại các cuộc thi Sao Mai do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, lần nào Nhà trường cũng có HV, SV tham gia và đạt giải cao, điển hình như năm 2017, đã có 15 HV, SV xuất sắc lọt vào đêm chung kết toàn quốc, trong đó Đỗ Thị Thanh Hoa - Quán quân phong cách Thính phòng; Nguyễn Thị Thu Thủy - Quán quân phong cách Nhạc nhẹ; Sèn Hoàng Mỹ Lam - Quán quân phong cách Dân gian. Ngoài ra, học viên Trần Thị Yến Nhi và Lâm Bảo Ngọc - giải Nhì phong cách Nhạc nhẹ; Lê Thị Nhung - giải Nhì phong cách Thính phòng; Nhật Linh đạt giải Ba phong cách Nhạc nhẹ.
Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GD-ĐT, Nhà trường luôn chú trọng và thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về VHNT. Hàng trăm công trình, đề tài, sáng kiến từ cấp cơ sở đến cấp Bộ Quốc phòng được triển khai nghiên cứu, nghiệm thu và đưa vào ứng dụng; trong đó, có 03 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 15 đề tài cấp ngành đạt Xuất sắc, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT. Xây dựng và biểu diễn hàng trăm chương trình nghệ thuật lớn, có tính tư tưởng nghệ thuật cao phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Có thể khẳng định: Hơn 6 thập kỷ xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Nhà trường đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Đảng, của Quân đội, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến sĩ-Nghệ sĩ; Đoàn kết-Chiến đấu; Năng động-Sáng tạo; Lập công-Quyết thắng”.
Những thành tựu mà Nhà trường đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của các thế hệ thầy, cô giáo – những người đã và đang mang tâm huyết, trí tuệ, tài năng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Các thầy, các cô chính là những người chắp cánh ước mơ, thắp sáng khát vọng và lý tưởng của HV, SV; mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo để HV, SV học tập và noi theo.
Hiện nay, Nhà trường đang trên đà phát triển, cơ sở vật chất ngày càng khang trang; với một đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tâm huyết; được đào tạo cơ bản ở các trường trong và ngoài nước (Hơn 45% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó 8,2% có trình độ tiến sĩ); đang là chủ thể, là lực lượng to lớn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục - đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực VHNT cho quân đội và đất nước; là cơ sở, tiền đề để chúng ta vững bước trên những chặng đường mới./.
LONG VŨ