Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Vở diễn “Công chúa Turandot” - khép lại chương trình tốt nghiệp lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1.

Admin 24/07/2020
 Tối ngày 23/07, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức đêm thi tốt nghiệp cuối cùng cho lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1, Khoa Sân khấu Điện ảnh và Viết văn với vở diễn "Công chúa Turandot".

 Dự và chỉ đạo có đồng chí Đại tá Hoàng Văn Chức, Phó Chính ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp Quốc gia; đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Bính, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp Quốc gia; đồng chí Thượng tá Hồ Trọng Tuấn, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp Quốc gia; cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các phòng, khoa, ban, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường. Ban chấm thi có: PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; đồng chí Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội; NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; đồng chí Thượng tá, NSƯT Trần Thanh Bạch, Chủ nhiệm Khoa Sân khấu Điện ảnh và Viết văn, và đông đảo người thân, bạn bè của các sinh viên lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1.

 Xuyên suốt đêm thi, 8 sinh viên lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1 đã biểu diễn thành công vở "Công chúa Turandot" của nhà viết kịch nổi tiếng người Ý - Carlo Gozzi (1720 – 1806). "Công chúa Turandot" được thực hiện dưới sự chỉ đạo nội dung của Đại tá, NSƯT Nguyễn Xuân Thủy - Hiệu trưởng Nhà trường; chỉ đạo nghệ thuật Thượng tá, Ths Trần Thanh Bạch - Chủ nhiệm Khoa Sân khấu Điện ảnh và Viết văn; chỉ huy biểu diễn Đại úy CN, ThS Phạm Anh Vũ.

 Vở diễn thành công bởi khả năng nhập vai khá nhuần nhuyễn của các sinh viên như: Nguyễn Hạnh trong vai Công chúa Turandot xinh đẹp nhưng vô cùng độc ác tàn nhẫn; Bá Toàn trong vai Hoàng tử Calap - với sự thông minh và dũng cảm. Nhưng có lẽ, ấn tượng đặc biệt là vai tì nữ Delima rụt rè, khép nép và vai Xkirina, một bà vợ nhát gan, nhiều chuyện là hai nhân vật được Ngọc Mai thủ vai rất khéo léo cho thấy sự linh hoạt, đa tài trong diễn xuất của một diễn viên. Không chỉ dừng lại ở một vở kịch, các sinh viên đã thực sự hóa thân, thâm nhập vào vai diễn để lột tả hết hành động, cảm xúc đến tính cách của nhân vật qua các tình tiết kịch.

 Sau gần 3 giờ biểu diễn, vở kịch "Công chúa Turandot" đã tái hiện chân thực, sinh động và đầy kịch tính. Mở đầu màn kịch rùng rợn, ma mị và đầy chết chóc đã làm khán giả thót tim. Và những tình tiết sau đó từ âm thanh, đồ họa đều rất sáng tạo, thật sự lôi cuốn người xem. Rất nhiều hoàng tử khi đến cầu hôn Công chúa đều phải trả lời 3 câu hỏi do cô đặt ra. Nếu trả lời đúng sẽ được kết hôn với công chúa, ngược lại trả lời sai sẽ phải nhận cái chết. Các câu hỏi đều rất hóc búa và chỉ đến khi hoàng tử Calap xuất hiện và giải được thì câu chuyện về sự chết chóc mới chấm dứt...

 "Công chúa Turandot" cũng chính là vở diễn cuối cùng trong chương trình thi tốt nghiệp của lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1. Chặng đường 4 năm học đã được tập thể sinh viên báo cáo lần lượt qua các vở diễn độc đáo như: "Lỗi Vũ"; "5 đực và 1 cái"; "Nhà có 3 chị em" và cuối cùng là "Công chúa Turandot". Yếu tố quan trọng của một diễn viên đó là khả năng diễn xuất từ biểu cảm đến hành động. Có thể thấy, ở vở diễn nào thì các sinh viên đều cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm diễn xuất khá tốt khi hóa thân vào nhân vật.Để có chương trình thi tốt nghiệp thành công là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BGH; sự tận tình, trách nhiệm dạy bảo, chỉ dạy của Thầy, cô giáo; và sự nỗ lực không ngừng của sinh viên Lớp Đại học Diễn viên Kịch - Điện ảnh K1.

 Với sự thành công của bốn vở diễn, có thể khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường, đồng thời đó là hành trang "chắp cánh" bay cao cho các em trên con đường nghệ thuật đầy gian nan thử thách; nhưng cũng rất vinh quang, tự hào sau này.

thi kich1

thi kich2

Tin: Mai Mai

Ảnh: Đức Lộc

 

Tin bài khác