Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUÂN ĐỘI HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ, TỪ NGÀY 25-31/5/ 2020

Admin 29/05/2020
 Hút thuốc lá là một thói quen lâu đời, phổ biến khắp nơi trên thế giới, có người cho rằng hút thuốc lá là thể hiện cá tính mạnh mẽ của nam giới, sức quyến rũ của đàn ông, điều này đã được các hãng thuốc lá ra sức khai thác, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trực quan và trong phim ảnh. Ở Việt nam dân gian có câu ca rằng: "Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện, thơm mồm, bổ phổi diệt trùng lao", hay câu: "hút thuốc lá sưởi ấm tinh thần, nâng cao sức khỏe"...Nhưng xin thưa không phải vậy đâu!

 Hút thuốc lá không gây chết người ngay lập tức mà âm thầm gây tác hại khôn lường đối với sức khỏe người hút và cộng đồng xung quanh. Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh trong khói thuốc lá có chứa tới 69 loại chất độc, gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tắc nghẽn phổi mạn tính, hen phế quản, suy giảm sức khỏe sinh sản, giảm tuổi thọ và đặc biệt là các loại bệnh ung thư hầu họng, thanh quản, miệng, phế quản và phổi. Cũng theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), các độc tố trong khói thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây lên 90% số người mắc ung thư phổi hằng năm; 75% căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên thế giới, nhiều hơn số người tử vong do tai nạn, bệnh lao và AIDS cộng lại.

 Hút thuốc lá không chỉ gây tác hại đối với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh. Theo khảo sát năm 2019, có đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em trên thế giới hít phải khói thuốc lá thụ động của người những hút thuốc vô ý thức gây ra. Trẻ em và người lớn - những người không hút thuốc nhưng sống trong môi trường có khói thuốc bị mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về tai, mũi, họng, thiểu năng trí tuệ, suy giảm sức khoẻ, thể chất cao hơn nhiều lần so với những người sống trong môi trường không khói thuốc. Phụ nữ mang thai hút thuốc lá, hoặc sống trong môi trường có khói thuốc dễ bị sẩy thai, thai nhi có nguy cơ bị hở hàm ếch, bệnh bạch cầu, ung thư não, thậm trí bị tử vong cao hơn 40% so những phụ nữ sống trong môi trường không hút thuốc. Không chỉ tàn phá sức khỏe, gây ra những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, hút thuốc lá còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là một những nguy cơ tàn phá môi trường. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới hằng năm thế giới tiêu tốn tới hàng tỷ đô la cho việc sản xuất thuốc, điều trị cho bệnh nhân có liên quan đến hút thuốc.

k hut thuoc-03

 Ở Việt Nam từ xa xưa có câu rằng: "điếu thuốc, cơi trầu là đầu câu truyện", bởi vậy, số người hút thuốc lá ở Việt Nam chiến tỉ lệ khá cao so với thế giới. Qua khảo sát xã hội học của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%; nữ giới là 1,1%, theo đó ở Việt Nam hiện nay có khoảng 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá, trung bình khoảng 2 nam giới lại có 1 người hút thuốc. Việt Nam là một trong 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện K Trung ương, mỗi năm ở nước ta có khoảng 40.000 người tử vong và có hơn 90% những người mắc bệnh ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Hút thuốc lá không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tiêu tốn nguồn tài chính rất lớn dành cho việc điều trị, bảo đảm y tế cộng động. Theo kết quả khảo sát năm 2018, bình quân mỗi người hút thuốc lá tiêu tốn hơn 2 triệu đồng/năm, ở nước ta với hơn 15,3 triệu người hút thuốc hiện nay thì hằng năm nguồn ngân sách tài chính tiêu tốn khoảng 30.000 tỷ đồng, số tiền đó có thể mua lương thực, thực phẩm cung cấp cho hơn 25 triệu người. Cũng theo kết quả khảo sát trên cho thấy, chi tiêu cho hút thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần chi phí học hành, gấp 2,5 lần mức chi phí cho quần áo và gấp 2 lần mức chi phí cho khám chữa bệnh, đặc biệt chi phí cho việc khắc phục hậu quả của việc hút thuốc lá còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí khám chữa bệnh.

 Nhận thấy rõ tác hại và sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, kinh tế - xã hội, năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá. Theo đó, nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế người hút thuốc lá trong cộng đồng. Ở Việt Nam, để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của hút thuốc lá, năm 2012 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có Điều luật quy định: "Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá".

 Trên cơ sở Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã ban hành nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn về việc tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hằng năm Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, từ ngày 25/5 đến ngày 31/5. Hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá, năm 2020, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, với chủ đề: "Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá" nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện chất nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá, đồng thời kêu gọi mọi người, mọi tổ chức, các cơ quan, đơn vị quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ tác hại của việc hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.v.v...

 Trường Đại học VHNT Quân đội là trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật, báo chí cho Quân đội, đất nước và quốc tế. Trong những năm qua, Nhà trường thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong đó có phong trào hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc không thuốc lá. Công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá được Nhà trường triển khai tích cực, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: quảng bá tác hại của thuốc lá trên Website của Nhà trường; tổ chức truyền thông về ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe con người và cộng đồng; quảng bá khẩu hiệu, hình ảnh tác hại của thuốc lá trên bảng biển, panô, áp phích, bảng điện tử, dán các câu khẩu hiệu, khẩu ngữ về tác hại của thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, nhà ở, hành lang, nơi tập trung đông người.

 Đặc biệt nhiều cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường đã biểu thị hành động phòng, chống thuốc lá bằng việc sáng tác các bài hát, tác phẩm múa, kịch sân khấu tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, kêu gọi mọi người từ bỏ hút thuốc lá. Các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức Đoàn thanh niên đã thực hiện tốt phong trào hành động "Chi đoàn không thuốc". Tổ chức tọa đàm, diễn đàn chia sẻ thông tin về tác hại của thuốc lá và cách thức biện pháp từ bỏ thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các tiểu đoàn. Có thể nói, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc là trong Nhà trường đã bước đầu đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần thái độ, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên, chiến sĩ trong việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo vệ mình và bảo vệ môi trường không khói thuốc.

 Trong thời gian tới, với đặc điểm lưu lượng học viên, sinh viên khá đông, nhiều lứa tuổi, đối tượng, bậc học khác nhau, ở nhiều vùng miền trong cả nước; trình độ nhận thức không đồng đều; địa bàn đóng quân phân tán, phần lớn học viên, sinh viên ở tuổi thanh, thiếu niên. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả bền vững các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nhà trường tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tích cực chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành chức năng, tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông mạnh mẽ, quyết liệt hơn về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa việc triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các tiêu chí thi đua khen thưởng hằng năm; đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các cơ phòng, khoa, ban, tiểu đoàn, gắn với việc thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc. Đồng thời xây dựng, bổ sung nội quy, quy định cấm hút thuốc lá nơi đông người, trong phòng họp, giảng đường, xây dựng và nhân rộng mô hình phòng, khoa, ban, tiểu đoàn học viên không khói thuốc.

 Thực hiện Công văn số 2516/BHYT- KCB ngày 07/5/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực hiện Công văn số 1829/QY- ĐT ngày 21/5/2020 của Cục Quân y về việc tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31/5/2020, với chủ đề "Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá", chúng ta cùng chung tay, đồng tâm xây dựng môi trường không thuốc lá, phòng, khoa, ban, tiểu đoàn không thuốc lá và toàn trường không thuốc lá.

Bài: Hoàng Văn Chức

Tin bài khác