SAY NẮNG, SAY NÓNG - CÁC CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG TRONG MÙA HÈ
I. Say nắng, say nóng là gì?
- Là hiện tượng rất hay gặp trong mùa hè, xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và không thể hạ nhiệt. Say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao hoặc do hoạt động thể lực quá mức gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát. Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn… Nguyên nhân là do tác động của nắng nóng hay các hoạt động thể lực quá mức
II. Biểu hiện khi say nắng, say nóng
- Các biểu hiện xảy ra tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian, có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, khó thở, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch.
III. Phòng và xử trí say nắng, say nóng
1.Các biện pháp phòng, chống say nắng say nắng
- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo dài rộng đội mũ, sử dụng kem chống nắng
- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây
- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút
- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể độ cao, không được tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ
2. Xử trí khi bị say nắng, say nóng
- Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho bệnh nhân: Chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ thoáng mát, cởi bớt quần áo ngoài, cho uống nước mát, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ
- Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng liên hệ với Quân y nhà trường để được hướng dẫn và tư vấn hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân.
IV. Chế độ dinh dưỡng trong mùa hè
- Mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi gây mất nước, các chất khoáng, chất điện giải và một số vitamin khiến người mệt mỏi làm chúng ta không muốn ăn, chỉ thấy khát nước. Điều kiện thời tiết như vậy, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe đặc biệt là các đối tượng học viên, sinh viên đang bước vào mùa thi
- Nguyên tắc dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng là chế độ ăn cân bằng, hợp lý và đa dạng thực phẩm, ăn chất béo ở mức vừa phải, tăng cường hoa quả tươi và uống đủ nước. Cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết:
+ Chất đường: gạo, bún, khoai, bánh mì… tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp
+ Chất đạm: nhóm thịt, cá, gà, trứng, đậu…Theo khuyến nghị tiêu thụ hơn 2 gram/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày được coi là quá mức
+ Chất béo: nhóm dầu, mỡ, bơ…: nên ăn dầu mỡ có mức độ, vào mùa nắng nóng có thể ăn ở mức thấp
+ Vitamin và các khoáng chất: nhóm rau củ và trái cây. Rau xanh là nguồn thực phẩm quý giá ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin thì còn có tác dụng phòng chống bệnh. Bên cạnh rau xanh thì sử dụng nhiều hoa quả cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Tuy nhiên, cần phải hạn chế ăn một số trái cây có hàm lượng đường cao, có tính nóng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn.
+ Đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng cơ thể cần cung cấp đủ nước và điện giải: người trưởng thành cần uống từ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng nếu hoạt động, chơi thể thao ra nhiều mồ hôi thì cần phải uống nhiều nước hơn. Các loại nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước hoa quả tươi rất tốt trong mùa nắng nóng. Nên hạn chế uống nước có ga.
Sưu tầm và tổng hợp: Bsi Hy Ngọc Diệp