Phụ nữ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phát huy truyền thống, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2023) và 13 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi thân ái gửi tới toàn thể nữ cán bộ, giảng viên, công nhân nhân viên, lao động hợp đồng, học viên Nhà trường lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Kính chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Phụ nữ Việt Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự trường tồn, phát triển và trấn hưng của dân tộc. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ. Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân, cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”; và “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta cần phải có kế hoạch chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của phụ nữ, ngay từ khi thành lập Đảng ta đã khẳng định phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng phụ nữ. Trong Chính cương Sách lược vắn tắt tại Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3/2/1930, đã viết “Về xã hội dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền”, Đảng đã đề ra quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách để “Phụ nữ tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng”. Thực hiện quan điểm đó, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ Phản đế Đông Đương được thành lập và ngày 16/6/1941, Đoàn Phụ nữ cứu Quốc ra đời để đoàn kết tập hợp lực lượng đông đảo của phụ nữ tham gia mặt trận Việt Minh, tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tháng 4 năm 1950, hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trước yêu cầu xây dựng lực lượng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 8/3/1961, Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam được thành lập. Sự ra đời của Hội phụ nữ giải phóng miền Nam, với đội ngũ nữ cán bộ kiên trung mưu trí sáng tạo, anh hùng bất khuất, đã góp phần to lớn, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên chiến công hiển hách, đại thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất hai miền Nam – Bắc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 6/1976 hợp nhất Hội phụ nữ giải phóng niềm Nam thành Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Để tôn vinh, ghi nhận, động viên cổ vũ phong trào, khẳng định vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước, tại Thông báo số 382 – TB/TW, ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với tên gọi khác nhau, Hội phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc thực dân, giải phóng đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ dành độc lập tự do, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp to lớn vào nhưng thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Họ là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lương tri và phẩm giá con người. Lịch sử còn mãi mãi ghi danh những hình ảnh sáng ngời của những “đội quân tóc dài”, những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những người mẹ ngày đêm đào hầm bảo vệ chiến sĩ, chở che, nuôi dưỡng bộ đội, thương binh, những anh hùng nữ dũng sĩ dân quân bắn rơi máy bay, phá tan tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hình ảnh “Mẹ đào hầm từ thủa tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ bạc đầu/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh” đã đi vào huyền thoại lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều phụ nữ đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, tướng lĩnh, lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tiêu biểu, như: nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường Nguyễn Thị Minh Khai; nữ anh hùng Võ Thị Sáu; nữ tướng Nguyễn Thị Định; Nữ ngoại giao thiên tài Nguyễn Thị Bình; Nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân, Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển... và hàng triệu người mẹ, người vợ, người phụ nữ khác đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, giỏi việc nước, đảm việc nhà, vững vàng, dũng cảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ Việt Nam viết tiếp truyền thống, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong lịch sử 68 năm truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các đồng chí nữ cán bộ, giảng viên, công nhân, học viên, sinh viên của Nhà trường luôn đồng hành cùng những bước thăng trầm, lập nên nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, cống hiến, trưởng thành và phát triển của Nhà trường. Nhiều đồng chí nữ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đã trở thành cán bộ, sĩ quan, cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, chỉ huy, quản lý giỏi; được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội và bầu bạn quốc tế; có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như: Liệt sĩ Phạm Đặng Thị Toàn, học viên lớp múa, Khóa 1 của Nhà trường - Chị là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, cho khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, cho sức mạnh văn hóa của người chiến sĩ – nghệ sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, và nhiều chị em nữ cán bộ, công nhân viên, học viên đã có đóng góp to lớn vào thành tích chung của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Sự phát triển lớn mạnh của Nhà trường luôn ghi nhận sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, người lao động. Hiện nay, trong tổng số cán bộ, giảng viên, công nhân viên, người lao động của Nhà trường, phụ nữ chiếm tỉ lệ 40,11%, được tổ chức thành 19 chi hội phụ nữ. Trong tổng số cán bộ, giảng viên, các đồng chí nữ cán bộ, giảng viên chiếm tỉ lệ 43,6%; Số cán bộ chủ chốt cấp phòng, khoa, ban, cán bộ nữ chiếm tỉ lệ 33,33%; có 43 đồng chí là cấp ủy viên, bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch các tổ chức đảng, công đoàn, hội phụ nữ nhà trường. Với sự phấn đấu nỗ lực không ngừng số cán bộ nữ có học vị tiến sĩ, thạc sĩ của Nhà trường hiện nay chiếm tỉ lệ 47,2% tổng số cán bộ, giảng viên; có 3 đồng chí trên tổng số 5 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, chiếm tỉ lệ 75%, đặc biệt năm 2023, Nhà trường rất vinh dự và tự hào có 2 đồng chí nữ cán bộ được Chính phủ tặng giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật - đồng chí Đại tá, TS, NSND Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật thực hành; đồng chí Đại tá Nguyễn Thị Hiền Trang, Phó Chủ nhiệm khoa Múa. Bằng những con số trên đây đã minh chứng hùng hồn cho sự phấn đấu không ngừng của chị em phụ nữ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành biểu diễn của Nhà trường. Đồng thời đó cũng là minh chứng cho sự phấn đấu nỗ lực, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy của các đồng chí nữ cán bộ, công nhân viên lao động hợp đồng của Nhà trường. Các đồng chí đã hết lòng, tận tụy với sự nghiệp giáo dục, đào tạo chiến sĩ nghệ sĩ, phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào các cuộc vận động, đóng góp quan trọng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: Chiến sĩ - nghệ sĩ, đoàn kết - chiến đấu, năng động - sáng tạo, lập công - quyết thắng.
Trong thời gian tới trước yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường ngày càng cao, các đồng chí cán bộ, giảng viên, công nhân viên, lao động hợp đồng là nữ chiếm tỉ lệ gần một ½ quân số của Nhà trường, chắc chắn rằng các đồng chí là lực lượng to lớn, rất quan trọng, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng nhà trường thông minh, chuyển đổi số, vươn tầm đào tạo cán bộ văn hóa nghệ thuật có trình độ sau đại học: thạc sĩ, tiến sĩ. Để phát huy phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam “công, dung, ngôn, hạnh”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường mong muốn toàn thể nữ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, lao động hợp đồng của Nhà trường hãy ra sức cống hiến, phấn đấu, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, lao động, học tập, công tác, giỏi việc Trường, đảm việc nhà, là hạt nhân thắp lửa yêu thương, hạnh phúc, là chỗ dựa vững chắc, đưa “nôi” nuôi dưỡng thế hệ trẻ trong mỗi gia đình; là điểm tựa cho mỗi thành công, ước vọng của chồng, con và đồng nghiệp, thủy chung, son sắc, tâm - đức - phúc vẹn toàn. toàn thể nữ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, hãy không ngừng tu dưỡng, phấn đấu vươn lên trở Nhà giáo mẫu mực, cán bộ quản lý giỏi, trở thành tiến sĩ, giáo sư, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân; nữ học viên học giỏi, rèn đức, luyện tài, ngày mai lập nghiệp; chị em phụ nữ của Nhà trường hãy ra sức phấn đấu là điểm tựa đoàn kết, thống nhất chung một sự nghiệp, tạo thành nguồn động lực to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của Nhà trường. Xin chúc mừng toàn thể nữ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, lao động hợp đồng, học viên của Nhà trường trẻ đẹp, xinh tươi, duyên dáng, dịu dàng, sáng tạo “Thông minh vốn sẵn tính trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm/ Cung thương làu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”; chúc mỗi chị em phụ nữ như một bông hoa tươi thắm, trong vườn hoa rực rỡ chiến sĩ – nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Đại tá Hoàng Văn Chức Phó Chính ủy