Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Những dấu ấn lịch sử

Admin 11/05/2011
LTS: Trong không khí tiến tới Đại lễ chào mừng chiến thắng 30/4, Trường ĐH VHNT QĐ vinh dự đón đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 19/3 và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc với Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội ngày 27/4/2011. Trang tin điện tử xin đăng tải những kết luận quan trọng của các lãnh đạo Chính phủ và Bộ. Đại tướng Phùng Quang Thanh - Trường ĐH VHNT QĐ cần phải tồn tại và phát triển...

 

1. Hơn nửa thế kỉ đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc trường chinh giữ nước, trong thời chiến cũng như thời bình, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ đào tạo được cấp trên giao bổ sung nhiều chuyên ngành mới nhưng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Nổi bật là nhiệm vụ đào tạo cán bộ văn hóa cho các đơn vị, diễn viên cho các đoàn Nghệ thuật trong và ngoài Quân đội ; Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, làm tốt công tác dân vận; thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ TSVM, Nhà trường VMTD.

2. Tổng cục Chính trị (TCCT) và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn Nhà trường xây dựng Đề án tổng thể phát triển Nhà trường theo hướng cơ bản, hệ thống, chuyên sâu; đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, sao cho ngang tầm của một Trường Đại học.

3. Cục Quân lực chủ trì phối hợp với Nhà trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng thành lập 2 ban: Ban Khảo thí và Bảo đảm chất lượng; Ban Thông tin Khoa học Quân sự.

4. Nhà trường được phép chủ trì đề xuất cơ chế khen thưởng, nâng lương, thăng quân hàm trước thời hạn, chuyển chế độ đối với những cán bộ, giảng viên, học viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập, công tác theo đúng quy định.

5. Từ năm 2011 - 2012, Nhà trường được đào tạo đối tượng Trung cấp quân sự các chuyên ngành nghệ thuật chuyên nghiệp. Đồng thời, hàng năm chủ trì đề xuất xây dựng cơ chế tuyển sinh mang tính đặc thù, nhằm thu hút tài năng, nguồn nhân lực nghệ thuật cao vào Quân đội.

Cũng từ năm 2011, Nhà trường bắt đầu chỉ đạo việc thực hiện chế độ thực tập bắt buộc đối với học viên Trung cấp nghệ thuật chuyên nghiệp. Thời gian thực tập là một năm, địa điểm thực tập tại các đoàn nghệ thuật trong Quân đội.

6. Hiệu trưởng Trường Đại học VHNTQĐ có quyền tuyển dụng đặc cách đối với các tài năng trẻ trong các kỳ thi, hội diễn nghệ thuật, trình cơ quan cấp trên để đào tạo phục vụ Quân đội lâu dài; giữ lại những học viên xuất sắc để đào tạo phát triển làm nguồn giảng viên kế cận.

7. Cục Cán bộ chủ trì phối hợp với Nhà trường và các cơ quan có liên quan tuyển chọn cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài các chuyên ngành nghệ thuật.

Với những thành quả đạt được và sự phát triển của Nhà trường trong tương lai, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trường Đại học VHNT Quân đội là nơi có truyền thống đào tạo, địa chỉ tin cậy, rất cần thiết góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm công tác dân vận tốt, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Quân đội ta. Nhà trường phải tiếp tục tồn tại và phát triển”.

Quan tâm tới sự phát triển của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội còn là trách nhiệm của Chính phủ…

Ngày 27 tháng 4 năm 2011 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tham quan cơ sở vật chất, dự một số tiết học, nghe báo cáo quá trình phát triển của Nhà trường, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao những đóng góp tích cực cho sự nghiệp đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cho quân đội và xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn quan tâm và tạo điều kiện để ngành văn hóa, nghệ thuật phát triển nói chung, đặc biệt là công tác đào tạo nói riêng, từ đó cần có chính sách hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh duy trì và phát triển Trường ĐH VHNT QĐ không chỉ là trách nhiệm của Bộ Quốc phòng mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành có liên quan. Theo đó, Phó Thủ tướng kết luận:

1. Về chiến lược phát triển Nhà trường: để đáp ứng nhu cầu nhân lực về văn hóa, nghệ thuật của toàn quân, phù hợp với yêu cầu phát triển của các ngành văn hóa nghệ thuật, ngành giáo dục và đào tạo trước mắt và lâu dài, Trường ĐH VHNT QĐ cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển Nhà trường trong 10 năm tới. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo và chuẩn đầu vào của Nhà trường (đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, tài chính, quản lý). Tăng cường liên kết trong nước và quốc tế về giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật biểu diễn.

2. Về công tác đào tạo:

- Về đào tạo học viên người dân tộc thiểu số: Phó Thủ tướng khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị, nhà trường cần tiếp tục duy trì, phát huy khả năng của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

- Về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính rà soát và thống nhất về cơ chế để giao chỉ tiêu, hỗ trợ kinh phí đào tạo hệ dân sự của các trường quân đội, trong đó có Trường ĐH VHNT QĐ.

- Cần thiết mở mã ngành báo chí.

3. Về dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí nâng cấp trang thiết bị phục vụ đào tạo: trước mắt, Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án “Xây dựng nhà ở học viên và nhà ăn”. Phương án cụ thể về nâng cấp trang thiết bị phục vụ đào tạo sẽ xem xét, quyết định thực hiện vào cuối năm 2011, đầu năm 2012.

4. Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên ở nước ngoài Nhà trường cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất kế hoạch, chỉ tiêu theo chương trình do Bộ quản lý để đáp ứng nhu cầu của Nhà trường.

5. Về kinh phí nghiên cứu khoa học: xây dựng quy chế nghiên cứu khoa học và cơ chế giao khoán định mức kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Kết luận của Phó Thủ tướng đã mở ra những điều kiện mới cho sự phát triển của Trường ĐH VHNT QĐ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

THU THỦY - LAN NGỌC tổng hợp

Tin bài khác