Những bệnh thường gặp mùa hè thu
Theo thông báo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến tháng 9/2020 cả nước ghi nhận 60.525 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Hà Nội là khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Bắc. Từ đầu năm đến nay toàn Thành phố đã ghi nhận 1.915 trường hợp mắc sốt xuất huyếttại 29/30 quận huyện, trong đó có 2 ca tử vong.
A. BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT (Dengue): là một bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ trở thành dịch lớn, bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.
I. Nguyên nhân gây bệnh: do virus dangue gây ra, bệnh lây lan là do muỗi vằn (Aedes aegypti) hút máu người bệnh mang virus truyền sang người lành, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh Sốt xuất huyết.
Muỗi vằn Aedes aegypti và các nốt xuất huyết dưới da (Ảnh nguồn internet)
II. Triệu chứng bệnh
- Sốt: sốt cao đột ngột, sốt nóng từ 39-40 độ và sốt liên tục 3 đến 4 ngày kèm theo mệt mỏi, ủ rũ, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn; (không kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi).
- Xuất huyết:
+ Xuất hiện các chấm xuất huyết đỏ trên da ở một vài vị trí hoặc toàn thân thường vào ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 4 nhiễm bệnh
+ Chảy máu chân răng, chảy máu cam
+ Có thể đi ngoài ra máu hoặc đái máu
+ Có thể đau bụng dữ dội hoặc đau vùng hạ sườn phải.
Tình trạng nặng hơn có thể gây sốc và dẫn đến tử vong.
B. BỆNH SỐT VIRUS: Sốt viruslà bệnh chỉ chung do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Bệnh truyền từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch trong cơ thể của người bệnh.
I. Nguyên nhân gây bệnh: do các loại virus (các virus đường hô hấp như virus cúm A,B; virus gây viêm gan; virus đường tiêu hóa…) khác nhau gây nên nhiều loại sốt siêu vi khác nhau.
II. Triệu chứng bệnh
- Cơ thể mệt mỏi, toàn thân đau nhức: khi nhiễm virus cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, uể oải, đau mỏi toàn thân, đặc biệt là các cơ bắp.
- Sốt: đây cũng là biểu hiện dễ nhận biết của sốt virus. Khi mới phát bệnh chỉ sốt nhẹ, sau đó thân nhiệt tăng dần lên đến 39- 410C.
- Xuất hiện hạch: tình trạng này xuất hiện khi virus xâm nhập vào đường hô hấp, có thể sẽ xuất hiện các hạch nhỏ ở vùng cổ.
- Ngạt mũi, khó thở, đau nhức hốc mắt: sốt virus gây ho và sổ mũi ở người bệnh, người mắc sốt virus cũng có thể cảm thấy nóng rát, đau nhức vùng hốc mắt.
- Phát ban, nổi mẩn đỏ trên da: biểu hiện này thường xuất hiện sau 2-3 ngày sốt.
C. PHÒNG CHỐNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH
- Nằm ngủ trong màn cả ngày lẫn đêm.
- Thường xuyên mặc quần áo dài hoặc dùng thuốc xoa chống muỗi đốt ở những vùng da hở.
-Không nên ngồi chơi, làm việc ở những nơi có môi trường tối, ẩm thấp, những nơi gần ao tù, nước đọng…
- Thường xuyên vệ sinh môi trường nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, làm việc, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dậy kín dụng cụ chứa nước đề hạn chế muỗi sinh sản, phát triển.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: tình trạng sốt cao liên tục khiến cơ thể mất nước, do vậy việc đầu tiên và dễ làm nhất khi bị sốt đó là uống đủ 1,5- 2 lít nước chia làm nhiều lần trong ngày, tốt nhất là uống nước Orezol, nước hoa quả các loại.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ chống bội nhiễm, có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong và sau khi bị sốt virus. Nên bổ sung nhiều loại củ quả có chứa nhiều vitamin C nhằm tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạ sốt: cần hạ cơn sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,50C không được để thân nhiệt bị tăng quá cao, gây biến chứng ở não cực kỳ nguy hiểm. Có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc khác để hạ sốt (trong trường hợp sốt xuất huyết chỉ dùng paracetamol là thuốc hạ sốt, tuyệt đối không dùng thuốc khác khi không có chỉ định của bác sỹ), tuy nhiên phải theo liều lượng chỉ định của bác sĩ, kết hợp trườm ấm để hạ nhiệt độ cơ thể
* Khi bản thân và người nhà xuất hiện các triệu chứng trên chúng ta không nên tự ý dùng thuốc mà nhanh chóng đến quân y nhà trường hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Tổng hợp và sưu tầm: BS Hy Ngọc Diệp