Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Nghiên cứu sinh Đỗ Linh Giang bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Văn hóa

Admin 03/06/2022
 Ngày 02/6/2022, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nghiên cứu sinh (NCS) Đỗ Linh Giang đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với Đề tài "Quản lý di tích lịch sử quân sự cách mạng (qua trường hợp Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Tổng hành dinh trong khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, Địa đạo Củ Chi)" thuộc ngành Quản lý văn hóa, mã số: 9319042. Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương.

 Hội đồng chấm Luận án gồm các nhà khoa học: PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS.TS Nguyễn Thị Huệ (Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia); GS.TS. Trương Quốc Bình (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam); TS. Nguyễn Thị Hòa (Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội); PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam); TS Trần Đức Nguyên (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội).

 Tham dự lễ bảo vệ luận án, về phía Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có PGS. TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; về phía Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có Đại tá Phùng Thanh Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà trường cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu, đại diện các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường, đồng nghiệp và gia đình, bạn bè của NCS.

 Luận án đã định danh một loại di tích chưa được đề cập tới trong các công trình đã công bố của các nhà nghiên cứu bằng việc đưa ra khái niệm, xác định đặc điểm, giá trị của loại di tích này, giúp việc phân loại loại hình di tích lịch sử ngày một đầy đủ và cụ thể hơn; Góp thêm một cách tiếp cận mới về quản lý di tích khi áp dụng lý thuyết các bên liên quan, giúp công tác quản lý di tích lịch sử được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều chiều cạnh khác nhau; Về thực tiễn, luận án đã chỉ ra một cách khá đầy đủ và toàn diện những ưu điểm, hạn chế trong quản lý của các chủ thể được xác định, nhất là vai trò và sự phối hợp giữa họ khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý di tích lịch sử quân sự cách mạng, và trên cơ sở đó đưa ra giải pháp để tăng cường sự phối hợp và đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý của các chủ thể này. Đây là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý văn hoá, quản lý di sản trong việc hoạch định chính sách và đưa ra mô hình quản lý hiệu quả, khả thi.

 Hội đồng đánh giá đây là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, bám sát, và đáp ứng được những yêu cầu của luận án tiến sĩ. Hội đồng nhất trí đề nghị Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cấp bằng học vị Tiến sĩ Quản lý Văn hóa cho NCS Đỗ Linh Giang. Sau khi đề tài luận án hoàn chỉnh sẽ là nguồn tài liệu có giá trị cao phục vụ cho quá trình giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

bvtslg 1

bvtslg 2

Ảnh: Tiến DũngTin: Hương Thùy

Tin bài khác