Nghệ sĩ - chiến sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội luôn xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"
Trong gần hai thập kỉ qua, quán triệt đường lối văn nghệ của Đảng: “Khuyến khích sáng tạo, thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo văn nghệ” nhằm “xây dựng một nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: mở rộng không gian sáng tạo tác phẩm nghệ thuật (đề tài, chủ đề), phương pháp sáng tác, tiếp cận mạnh mẽ hiện thực mới, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn. Đã có nhiều tác phẩm có giá trị, đoạt nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa -Thông tin, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đặc biệt là giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Huế thương, Thơ tình của núi, Ca dao em và tôi (NS An Thuyên)...; Ngược dòng Hương Giang, Hoa dại, Mưa xuân, Tình yêu người lính, Miền xa thẳm (NS Đức Trịnh); Hành trang người lính hát (NS Xuân Thủy)... Những trang viết ấy mang đậm chất mặn mòi của đời sống, có khi là câu chuyện kể về tình yêu chung thủy, bất tử trong chiến tranh, có khi lại như là bức thông điệp xanh về tình yêu cao cả của người lính...trở thành tiếng nói tâm tình của đông đảo quần chúng, phản ánh những ước mơ khát vọng của con người về một cuộc sống tươi đẹp. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thực sự luôn đồng hành cùng nhân dân.
2. Khi nói đến xây dựng một nền văn nghệ tiên tiến cần nhấn mạnh đến sự tiên tiến về chính trị, tư tưởng, nội dung chống lại các khuynh hướng xấu, phức tạp trong văn nghệ đang du nhập vào Việt Nam như chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa hiện sinh lại trỗi dậy sức sống mới sau một lần bị phê phán. Nền văn nghệ tiên tiến không thỏa hiệp với các xu hướng văn nghệ thuộc hệ tư tưởng khác nhau của giai cấp tư sản. Nói truyền thống cũng là nói đến hiện đại. Văn nghệ truyền thống phải là văn nghệ hiện đại - “Dân tộc, khoa học, đại chúng”, đây là phong cách, là đặc trưng của thời đại.
Một phương diện quan trọng nữa chính là bản sắc dân tộc. Trong mấy chục năm qua các nghị quyết của Đảng luôn đề cao tính văn hóa dân tộc trong văn hóa văn nghệ. Ở mỗi thời kỳ tính dân tộc lại được nhấn mạnh theo một yêu cầu mới.
Quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có những bước đi đúng đắn, đột phá trong giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành biểu diễn.
Về giáo dục-đào tạo, bên cạnh việc đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, đổi mới nội dung chương trình, tăng cường giáo trình tài liệu dạy học chuẩn, Nhà trường đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, coi đây là yếu tố then chốt, mang tính quyết định trong đảm bảo chất lượng đào tạo. Tích cực, chủ động trong mở rộng không gian hợp tác đào tạo, hiện nay Nhà trường đã có 02 giảng viên được cử sang học tập tại Cộng hòa Liên bang Nga, 10 giảng viên được đào tạo tại Trung Quốc. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có một số giảng viên nhạc nhẹ được cử đi đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Nhà trường sẽ có 60% cán bộ giảng viên có trình độ thạc sỹ, 15% giảng viên có trình độ tiến sĩ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nghiên cứu khoa học quân sự về văn hóa nghệ thuật là hướng đi khá mới đối với một trường đại học chỉ mới 7 năm đào tạo trình độ đại học. Bảy năm, một chặng đường chưa dài để nói lên hiệu quả ứng dụng thực tiễn của các công trình nghiên cứu tại Nhà trường. Nhưng số lượng đề tài, sáng kiến khoa học khá đông, diện nghiên cứu trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng tham gia nghiên cứu, cấp độ nghiên cứu từ cơ sở đến cấp Bộ cho thấy đã hình thành và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. Để phát huy hiệu quả ứng dụng của công tác nghiên cứu đối với giáo dục - đào tạo, thực hành sáng tác và biểu diễn, hướng đi mới của Nhà trường là: đẩy mạnh, phát hiện đề tài mục tiêu, tăng cường nghiên cứu cơ sở với những nội dung nghiên cứu thiết thực, phù hợp với ngành nghề đào tạo của Nhà trường.
Sự khác biệt luôn tạo nên bản sắc. Với thành công của các chương trình nghệ thuật lớn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Đây là phần thưởng lớn, là niềm vinh dự, tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của mỗi cán bộ, giảng viên, chiến sĩ, học viên, sinh viên Nhà trường. Sáng tác các tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục cao, có giá trị tư tưởng và thẩm mĩ, đa phong cách, tươi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là dòng chảy chủ đạo trong xây dựng, thiết kế các chương trình biểu diễn nghệ thuật kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân, 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân, thiết thực góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về “diễn biến hòa bình”, “xâm lăng văn hóa”, “đế quốc thông tin”..., làm giàu có đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Sự sáng tạo trong công tác văn hóa văn nghệ của nghệ sĩ-chiến sĩ Nhà trường hôm nay đã và đang cùng nhân dân lưu giữ hồn cốt, bản chất vốn có của "Tinh thần Đại Việt" bên cạnh sự vận động không ngừng, biến cái quyết liệt, phân nhánh và cộng sinh, tạo nên một gương mặt mới, đa diện, đa sắc, đa thanh trong đời sống hưởng thụ nghệ thuật, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Lời ca: “Nhân dân là bể/Văn nghệ là thuyền/Thuyền xô sóng dậy/Sóng đẩy thuyền lên/Thuyền ra khơi xa/Gió căng buồm lộng/Thuyền là lao động/Gió là Ðảng ta” luôn là hành trang của mỗi nghệ sĩ-chiến sĩ Nhà trường trên bước đường chung tay xây dựng Nhà trường, xây dựng quân đội.
HOÀI THỦY