Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Một số bệnh thường gặp lúc giao mùa

Admin 26/04/2021
Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, trời chuyển nóng lạnh đột ngột kèm theo những cơn mưa bất chợt khiến độ ẩm không khí thay đổi thất thường, đây chính là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, có nguy cơ dẫn đến bùng phát các bệnh thường gặp khi giao mùa Xuân Hè. Dưới đây là một số bệnh hay gặp và cách phòng tránh.

A. Nguyên nhân, triệu chứng bệnh

I. Bệnh đường hô hấp:

1. Viêm đường hô hấp trên, cảm cúm:

+ Nguyên nhân: Nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa thất thường khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu làm cơ thể dễ nhiễm vi khuẩn, vi rút gây nên các bệnh đường hô hấp, cảm cúm.

+ Triệu chứng: Bệnh thường có các biểu hiện như chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì, đau rát họng khi nuốt nước bọt, khàn tiếng, ho khan hay ho có đờm, sốt, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân…

2. Viêm mũi dị ứng:

+ Triệu chứng: ngứa mũi, liên tục hắt hơi, chảy nước mũi. Nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm gây viêm xoang, viêm mũi họng mạn tính.

II. Bệnh đường ruột:                                                                                        

+ Nguyên nhân: Thời tiết nóng, độ ẩm cao dễ làm đồ ăn thức uống nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về đường ruột như: vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) dẫn đến viêm dạ dày, tá tràng; vi khuẩn Salmonella gây tiêu chảy; vi khuẩn Shigella gây bệnh lỵ…

+ Triệu chứng: Đau bụng, ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau đầu, mệt mỏi có thể sốt…

III. Bệnh đau mắt đỏ:

+ Nguyên nhân: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus Adeno hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu …gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm cao. Bên cạnh đó môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, dùng chung đồ dùng sinh hoạt…

+ Triệu chứng: Người mắc bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, mắt đỏ. Thường đau và đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.

IV. Sốt xuất huyết

+ Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ trở thành dịch lớn, bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Do virus dangue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn (Aedes aegypti) hút máu người bệnh mang virus truyền sang người lành, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh Sốt xuất huyết.       

+ Triệu chứng: Sốt cao đột ngột, sốt nóng từ 39-40 độ, sốt liên tục 3,4 ngày liền kèm theo mệt mỏi, ủ rũ, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn; (không kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi); Xuất hiện các chấm xuất huyết đỏ trên da ở một vài vị trí hoặc toàn thân thường vào ngày thứ 3- 4 của bệnh, Có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi ngoài ra máu hoặc đái máu.

V. Bệnh tay chân miệng

+ Nguyên nhân: Tay chân miệng thường gặp nhiều ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, lây qua đường miệng hoặc các chất dịch tiết ra từ mũi, miệng hoặc phân.

+ Triệu chứng: Sốt nhẹ hoặc sốt cao, tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối, có thể có nôn, tiêu chảy…

B. Cách phòng chống bệnh giao mùa

+ Đối với những bệnh đường hô hấp cần che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng, súc miệng bằng nước muối có thể giúp điều trị viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập, tiếp xúc nơi đông người. Tiêm phòng vắc-xin Cúm đầy đủ.

+ Đảm bảo nhà ở, nơi làm việc thông thoáng, ít bụi bẩn. Thau rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho loăng quăng,bọ gậy. Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm. Việc đóng kín cửa nhà hay phòng làm việc khiến không khí không được lưu thông tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn, mỗi ngày mở cửa phòng 15-20 phút giúp căn phòng trở nên thoáng khí.

+ Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín uống sôi, giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng, uống nước thường xuyên từ 1.5-2 lít/ ngày/ người, ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi.

+ Khi có biểu hiện bất thường hay nơi cư trú có xuất hiện dịch cần thông báo ngay cho Quân y đơn vị hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử trí và cách ly kịp thời.

Sưu tầm và tổng hợp: Bác sỹ Hy Ngọc Diệp

Tin bài khác