LỰA CHỌN (Truyện ngắn)
…Đã thành lệ cứ tuần ba, bốn buổi, Huy Tuấn – người yêu của Phương Hoa, dù bận đến mấy cũng tranh thủ về nhà đưa cô đến trường mỗi khi cô có giờ lên lớp. Hình ảnh chiếc lexus GX 460 đen bóng đỗ xịch trước cổng trường và một thanh niên cao to nhanh nhẹn mở cửa xe cho bạn gái bước xuống cùng một túi giấy đựng món ăn nhanh yêu thích nào đó của cô đã trở nên quen mắt ngay cả với bà bán nước, bác cắt tóc gần trường. Vậy mà…
Phương Hoa giật mình khi có tiếng cậu vệ binh hỏi “Ơ, nay chị Hoa đi taxi à? Vệ sĩ của chị đâu? Mà chị đang đợi ai thế, sao chưa vào trường?”. Nhận ra nét buồn rưng rưng của Hoa, chiến sĩ vệ binh tiu nghỉu lùi vào trong, ánh mắt dò xét vì thường ngày cô vui vẻ và nhanh nhảu lắm, tiểu đội vệ binh ai cũng quý. Đi qua cổng gác, Hoa chỉ ừ hữ, âm thanh như không thể phát ra khỏi cổ họng, nước mắt cứ chực trào ra. Cô bước vội vào thang máy như muốn giấu đi tâm trạng mông lung, hụt hẫng, phải một lúc sau mới giật mình bấm số tầng lên phòng học. Đến cửa phòng, nghĩ thế nào, cô lại bước quá về văn phòng khoa mặc dù đã đến giờ lên lớp. May sao có Khánh Huyền cùng tổ bộ môn tối nay vào sửa đề tài khoa học theo phân công của Chủ nhiệm Khoa. Nhận thấy vẻ khác thường của Hoa, học sinh thì đang nháo nhác chạy sang thưa các cô đã quá giờ, Khánh Huyền lo lắng hỏi: “Cậu có cần dạy thay không?”. Hoa như người chết đuối vớ được cọc, chỉ chờ có thế là gật đầu đồng ý. Với tâm trạng này cô biết sẽ rất khó tập trung cho bài giảng. Vả lại, ở khoa Văn hóa Cơ bản với 22 giảng viên đa phần còn trẻ, người con nhỏ, người đang tiếp tục học sau đại học, công việc thì phải tuân thủ kế hoạch đào tạo nên việc chị em giúp nhau dạy thay trở nên thường tình và cũng rất ít khi dò hỏi lý do nếu đồng nghiệp không nói.
Gia đình Tuấn và gia đình Hoa có mối thân tình từ xưa. Bố cô và bố Tuấn cùng công tác ở một vụ quan trọng ở cơ quan bộ. Bố Tuấn giữ chức vụ trưởng, Bố cô làm chuyên viên. Có lẽ vì thế mà gia đình Tuấn có điều kiện kinh tế khá giả hơn. Tuấn lại là con một nên rất được cưng chiều. Cô và anh là bạn học từ tiểu học cho đến trước khi thi vào đại học. Dù vào thời điểm năm cuối cấp phổ thông cơ sở, gia đình Tuấn chuyển vào trung tâm nhưng cậu vẫn quyết định cùng Hoa chọn thi vào trường phổ thông trung học xa nhà đến cả chục cây số. Để gần cô bạn thân thì đúng rồi nhưng còn có điều gì đó đặc biệt hơn thế. Tuy không nói ra nhưng cả hai đều cảm nhận được. Hoa và Tuấn có rất nhiều thứ cùng: cùng quê miền Trung đầy nắng gió, cùng theo Bố Mẹ ra Hà Nội từ lúc học tiểu học, cùng là học sinh giỏi toàn diện mười hai năm học phổ thông và bốn năm đại học sau này. Và hai đứa dù sống ở Hà Nội từ bé nhưng vẫn thích những món chân quê như cà pháo phơi héo muối mặn, khoai lang luộc chấm mật, nhút xơ mít... Khi Hoa vào học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Tuấn học Đại học Ngoại Thương cũng là lúc hai đứa chính thức yêu nhau. Một tình yêu đẹp, một cặp trai tài- gái sắc, “cặp đôi hoàn hảo” number one là lời bạn bè vẫn dành cho họ.
Tuấn có dáng người thể thao, cao gần mét tám, gương mặt điển trai, thông minh, là tiền vệ cứng trong đội tuyển bóng đá của Trường đại học. Trừ cá tính hãnh tiến đôi khi thái quá, nhìn “tổng thể” Tuấn rất đàn ông. Còn Hoa cao mét sáu bảy, dáng cân đối, đặc biệt là gương mặt thập quý - theo quan niệm nhân diện của các cụ ta xưa- hiền hậu, sáng sủa, nữ tính với đôi mắt trong veo, sâu thẳm, luôn lấp lánh như biết nói cùng cái miệng rất tươi, mỗi khi cười khoe hàm răng trắng đều tăm tắp. Cô đọc nhiều, biết rộng, hoạt ngôn, hát hay. Là bí thư đoàn trường, Hoa đã từng giành nhiều giải cao trong các cuộc thi giọng hát hay, nữ sinh thanh lịch, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp trường, cấp quận. Nhiều bạn khuyên Hoa đăng ký thi hoa hậu toàn quốc, những lúc ấy cô chỉ cười và lảng sang chuyện khác…
Suốt bốn năm đại học, tình yêu của họ trong sáng, ngọt ngào trong sự vun vén có chút hãnh diện và “giám sát” thường xuyên của “các cụ” hai gia đình vốn rất gia giáo, nghiêm cẩn. Những tưởng chẳng điều gì có thể thay đổi được…
Vậy mà… những biến cố bắt đầu xuất hiện khi Hoa tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc đúng vào dịp Trường Nghệ thuật của Quân đội cử cán bộ về tuyển chọn hai giảng viên dạy văn hóa. Cô còn nhớ mãi buổi tối giao lưu giữa các giảng viên, học viên, sinh viên hai trường. Hôm đó, sau hai màn chào hỏi, giới thiệu là chương trình giao lưu văn nghệ. Các đại diện của Trường Nghệ thuật mở đầu với liên khúc ca nhạc rất ấn tượng, chuyên nghiệp, trẻ trung. Hoa xuất hiện trên sân khấu với vai trò MC và hát ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cũng như mọi lần, sân trường lại rộn tiếng vỗ tay, huýt sáo cổ vũ. Khi trở về chỗ ngồi, thầy trung tá Xuân Hải phụ trách đào tạo của Trường Quân đội đi đến bắt tay, khen cô hát hay, làm chủ sân khấu tốt nhưng cũng chỉ ra những chỗ cần phải học hỏi cơ bản để thể hiện ca khúc đúng kỹ thuật, có nhạc cảm. Thầy khuyên Hoa nếu thật sự yêu thích ca hát thì nên sắp xếp đến Trường để các nghệ sĩ giúp thêm. Nghe đến đây cô hơi bối rối vì từ trước đến nay chưa ai nói điều này mà chỉ có những lời tung hô, khen ngợi. Sự chân thành, thẳng thắn của thầy Hải đã thật sự thuyết phục Hoa. Cô lại rất hay xem các chương trình ca nhạc và vào website của Trường Nghệ thuật nên biết ngôi trường này đã có hơn nửa thế kỉ đào tạo biết bao nghệ sĩ danh tiếng ở Việt Nam. Tên Trường cũng gắn liền với nhiều nghệ sĩ, chương trình đạt giải cao trong các cuộc thi ca- múa- nhạc trong nước và quốc tế, là mơ ước của nhiều sinh viên yêu âm nhạc…
Ngay sáng hôm, sau Hoa quyết định đăng ký thi tuyển giảng viên Trường thầy Hải. Khi vượt qua vòng phỏng vấn với giấy hẹn sau một tuần đến kiểm tra năng lực thực hành giảng bài cô mới báo cáo xin phép bố mẹ và cho Tuấn biết. Bố mẹ Hoa tuy có bất ngờ, nhưng không phản đối mà chỉ khuyên cô cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến bạn bè, nhất là Tuấn. Thế nhưng khi biết tin anh đã phản đối kịch liệt ý định của Hoa: nào là “sao vội vã thế”, nào là “sao lại vào nơi gò bó, thiếu thốn”, rồi “sao thiếu thực tế vậy”?… Dù anh nói thế nào Hoa vẫn nhẹ nhàng giải thích và mong Tuấn ủng hộ ý định của mình. Anh thì tỏ vẻ buồn chán, giận dỗi Hoa ra mặt, tìm đến mấy quán rượu ngồi thâu đêm, hôm nào cũng say mềm, có khi chẳng biết đường về. Căng thẳng còn leo thang khi gia đình anh cũng một mực phản đối. Vì trước đó, Bác Quang – Bố Tuấn đánh tiếng là đã đặt vấn đề với vụ tổ chức của bộ để Hoa ra trường sẽ về làm văn phòng ở đó. Còn Tuấn sẽ làm việc trong ngành ngoại thương với một vị trí rất có tương lai. Sau đó hôn lễ cho hai đứa sẽ tổ chức.
Mẹ Tuấn ngay lập tức cho mời bố mẹ Hoa sang mở “hội nghị bất thường”. Đương nhiên có cả hai nhân vật trung tâm “gây rắc rối” để phân tích, khuyên bảo và cả úp mở những điều kiện lợi, bất lợi nếu cô không đi theo kế hoạch do gia đình anh vạch ra. Hoa nhẹ nhàng trình bày và xin phép bố mẹ, hai bác được quyết định tương lai của mình. Bố cô ôn tồn: “Các con nên bảo nhau, hai bác cũng vì lo cho hai đứa thôi”. Còn mẹ Hoa tuyệt nhiên không nói, không trách cứ, chỉ thấy bà nhìn xa xăm, nét mặt phảng phất buồn. Tính mẹ là vậy, kiệm lời, chịu đựng nhưng cũng rất rõ ràng. Bà luôn để cho các con tự lập, tự làm và biết tự điều chỉnh để khôn lớn.
…Sau vài ngày giận hờn, giải thích, thuyết phục và cả gặp gỡ đàm phán của các phụ huynh, cuối cùng cả hai bên đi đến thỏa hiệp: “thôi giời chẳng chịu đất thì đất đành phải chịu vậy. Trước mắt, gia đình tôn trọng ý định của Hoa. Việc cưới xin do hai đứa quyết định và báo cáo với cha mẹ”. Hoa như muốn nhảy lên vì sung sướng. Không phải cô có mặc cảm gì với công việc văn phòng nhưng cứ nghĩ đến một vài lần bác Quang đã nói: nào là soạn thảo công văn giấy tờ, chuẩn bị tài liệu cho lãnh đạo, tổng hợp báo cáo ngày, tuần, phải luôn chững chạc, nghiêm cẩn, tươi cười… cô đã thấy ngợp và không phù hợp với mình.
Đến hẹn, Hoa đến Trường Nghệ thuật để thực hành giảng bài và vượt qua vòng này với kết quả tốt. Tuấn thuê hẳn thợ quay video, làm phim như thật, có cảnh hai đứa âu yếm nhau bên lẵng hoa hồng đỏ thắm cùng những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt và cả những ánh mắt ghen tỵ của bạn bè.
Cùng thi tuyển với Hoa có anh Khắc Việt, sinh viên tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Quốc gia. Anh đi thi chỉ có một mình. Khi nghe thông báo trúng tuyển, anh lặng lẽ rút điện thoại nói chuyện với ai đó rất điềm đạm, từ tốn và tỏ vẻ vui mừng. Khắc Việt hơn Hoa ba tuổi, cũng là người hát rất hay. Sau khi vào Trường, hai anh em cùng đề đạt nguyện vọng vừa làm, vừa được học chuyên ngành Thanh nhạc. Thầy Xuân Hải rất ủng hộ nhưng do vướng quy định về tuổi tác, nên thầy đã trình bày để Ban giám hiệu báo cáo cấp trên cho vận dụng quy chế được tuyển sinh “hai trường hợp đặc biệt”.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào công tác thì một loạt khó khăn ập đến ngoài dự liệu. Hoa vừa phải tìm hiểu về tổ bộ môn Văn hóa Cơ bản và môn tiếng Anh mình được phân công đảm nhiệm vừa phải xếp lịch học thanh nhạc. Hầu như các buổi khác cô lại phải trợ giảng, dự giờ, giảng thử… để tích lũy, thành thục trước khi được phân công giảng chính, thành ra cứ bận túi bụi. Lắm hôm về đến nhà mệt nhoài, thấy mẹ hì hụi vào bếp hâm nóng thức ăn, để bà đỡ lo, Hoa chan canh, lùa nhanh lưng cơm cho xong rồi đi nằm. Đương nhiên, những hôm như thế đành phải thay đổi lịch hẹn đi chơi, xem phim hay tụ tập bạn bè với Tuấn. Cứ thế một vài lần, anh tỏ ra không bằng lòng. Lại điệp khúc quen thuộc là khuyên nhủ cô nên thay đổi nơi công tác cho đỡ vất vả, nơi bố Tuấn nhờ giúp họ vẫn đang để trống vị trí cho Hoa, rồi không nhanh sẽ mất cơ hội… Hoa lắng nghe và khéo léo lái sang chuyện khác. Cứ thế có lúc căng lên lại giận dỗi vài hôm rồi làm lành, lại hoa - quà cùng những cuộc picnic chỉ có hai đứa trong không gian rừng núi, biển hồ lãng mạn ngọt ngào, quên đi mệt nhọc, ồn ào nơi đô thị. Trong khoảng lặng giữa thiên nhiên hoang sơ, trong lành, nên thơ, những bất đồng cự nự nhỏ nhặt hôm qua bỗng tan biến, chỉ hiện hữu tình yêu đôi lứa tràn căng, say nồng, bện quyện... Hoa như đắm chìm trong tình yêu, sự chăm sóc, nâng niu của Tuấn. Có những hôm cô chỉ mới nhức đầu, sổ mũi sơ sơ, anh đã lo lắng hỏi han, thuốc men cuống quýt hết cả lên. Do anh trai công tác xa, nhà neo người nên hễ gia đình cô có việc gì là Tuấn có mặt ngay. Họ hàng, cô bác Hoa coi anh như người trong nhà. Vì vậy, khi có bạn bè bảo Tuấn dạo này có vẻ khác, hãnh tiến, tham vọng hơn và khuyên cô nên tỉnh táo kẻo vỡ mộng, Hoa chỉ nghĩ là họ độc miệng, hay vì quá ghen tỵ với mình... Cũng vì công việc chưa thật ổn định nên cô thuyết phục Tuấn việc cưới xin để sau hẵng tính.
Bẵng đi một thời gian kể từ khi vào trường đến nay đã được gần hai năm. Hoa và anh Khắc Việt trở thành giảng viên chính thức với quân hàm trung úy sĩ quan. Hoa bận rộn vì lịch thi hết năm thứ hai chuyên ngành Thanh nhạc, rồi lớp do cô làm chủ nhiệm chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Cùng lúc Trường nhận nhiệm vụ biểu diễn tại nhiều lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị cấp quốc gia và toàn quân. Tổng thể mỗi chương trình và từng tiết mục đòi hỏi cao, phải thật hay, hấp dẫn và không được để xảy ra sai sót dù nhỏ. Thế nên thôi thì tổng đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, ca sĩ, cô - trò không phân biệt cao thấp, “số má”, cứ lăn ra dàn dựng, luyện tập. Tập phân đoạn, phân nhóm, sau đó lắp ghép, sơ duyệt, tổng duyệt. Tập cả buổi trưa, buổi tối, ngày nghỉ, ăn uống thì cứ tùy nghi, gặp gì ăn nấy, vừa ăn vừa tập vì giờ hành chính vẫn phải dạy – học đúng lịch.
Còn nhớ chương trình sử thi nghệ thuật ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm đó. Lần đầu tiên Hoa và anh Khắc Việt được xếp hát tốp. Bước lên sân khấu, vì choáng ngợp và hồi hộp, đến mức cô phải tìm nắm tay Khắc Việt để lấy lại bình tĩnh. Nào ngờ anh ấy cũng mặt đỏ bừng, vã hết cả mồ hôi. Sau buổi biểu diễn anh tâm sự cũng rất run và cấm Hoa không được cho ai biết. Nhưng rồi cả hai quen dần. Sau này, Hoa còn được xếp hát chính trong một số chương trình.
Đang lúc công việc bộn bề thì một buổi chiều Tuấn điện thoại bảo cô xin nghỉ tập tối để có chuyện muốn bàn. Hoa chợt nhớ cũng cả tuần nay, hai đứa chưa có thời gian dành cho nhau. Cơm tối xong, nhờ Mẹ rửa bát đũa, cô đi như chạy ra cổng để gặp người yêu. Vẫn mở cửa ô tô đỡ cô vào trong, nhưng sao thái độ của Tuấn có vẻ khang khác. Cảm giác lo lắng thoáng qua, Hoa vòng tay ôm chặt Tuấn. Lạ thay, anh không đáp lại như mọi khi, khẽ đẩy cô ra và lặng lẽ lái xe. Hoa dù hơi ngạc nhiên, nhưng nghĩ chắc Tuấn cố ra vẻ “ban căng’ để bày trò đùa mới bất ngờ, ngọt ngào với cô như đã từng làm… Vào quán cà phê quen thuộc, gọi đồ uống xong, Tuấn chủ động kê hai ghế đối diện nhau chứ không xếp liền kề như mọi khi. Hoa càng thêm hồi hộp…
Hoa ạ. Tuấn chậm rãi. Chúng ta đã rất yêu nhau. Và đúng ra mình đã là gia đình gần hai năm rồi. Trong khi anh lấy nghề nghiệp làm phương tiện kiếm sống, em thì lại bị công việc hút mình, đến mức quên cả người yêu. “Ông cụ non” quá. Hoa cười thầm. Vì vậy, giọng Tuấn trầm hẳn xuống.
“Hôm nay, anh nói với em một việc quan trọng. Em suy nghĩ và quyết định sớm. Một là mẹ đã xem tuổi em, cưới vào tháng sáu này là đẹp nhất. Tuy chỉ còn hai tháng nữa, hơi vội. Nhưng em yên tâm, anh sẽ bơm tiền cho đội chuyên nghiệp nó chạy chỉ một loáng là ok. Hai là, bố đã lo cho anh sang Mỹ làm đại diện thương mại Việt Nam ở bên đó, nhiệm kỳ 5 năm và có chế độ gia đình đi cùng. Ăn Tết xong sẽ bay. Vì thế em xin nghỉ hẳn công tác để vợ chồng được ở bên nhau. Sang đấy rồi, hết nhiệm kỳ ta tính tiếp. Lần này mong em đừng bàn khác”. Nói xong Tuấn lặng lẽ châm thuốc rít liên tục, nhả khói mù mịt, ho sặc sụa. Cử chỉ chưa bao giờ có ở anh.
Câu chuyện chuyển hướng quá đột ngột. Chút suy nghĩ bông đùa biến mất, Hoa thấy đầu óc quay cuồng, hoang mang…
Về đến nhà cô chạy vội lên phòng, chốt cửa, nằm úp mặt xuống gối, khóc nức nở. Sao tình huống nghiệt ngã lại đến vào lúc này cơ chứ? Làm sao cứ phải sang Mỹ mới sống được? Tuấn đang có một công việc tốt thế mà? Bản tính hãnh tiến, thực dụng của Tuấn đã đến mức ích kỷ, không còn chỗ cho sự chia sẻ, hy sinh vì tình yêu nữa rồi. Hoa như người mất phương hướng. Cô gầy rộc hẳn đi. Đến trường cứ nhớ nhớ, quên quên, việc thì nhiều mà không thể tập trung được. Cô Chủ nhiệm Khoa, chị phụ trách Nhà hát Thực hành lo lắng hỏi han, chỉ sợ Hoa ốm gục xuống đấy thì ảnh hưởng chương trình. Các em học viên chưa thấy cô trả bài thi thử, không biết kết quả thế nào cứ nháo nhác hết cả lên. Nhìn các em mà thương. Lớp năng khiếu chỉ mới mười ba, mười lăm tuổi vừa phải học chuyên ngành, tập múa hát với cường độ cao, kỹ thuật khó vừa học văn hóa buổi tối. Chúng mệt lắm mà vẫn hồn nhiên nhắng nhít trong giờ giải lao ít ỏi.
Đã gần một tuần trôi qua. Ba lần Tuấn nhắn tin điện thoại nhắc câu trả lời. Hoa bối rối, thất thần. Chia tay tình yêu thì cô không muốn. Nhưng bỏ hết để đi với Tuấn là điều chưa bao giờ Hoa nghĩ đến. Chợt cô nhớ đến người anh trai mình. Anh Kiên đã xung phong ra Trường Sa được gần ba năm. Một quyết định cũng gây bất ngờ với cả nhà sau khi anh tốt nghiệp đại học Tài nguyên Môi trường. Anh công tác tại trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên đảo. Năm ngoái, khi được vào bờ để báo cáo đề tài phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển đảo Trường Sa, anh tranh thủ về nhà. Nhìn anh nước da đen cháy nhưng được cái rắn rỏi chững chạc lên nhiều, cả nhà mừng lắm. Từ bé, anh đã luôn quý mến, nhường nhịn cô em gái nên có việc gì Hoa cũng hỏi anh.
Qua điện thoại, Kiên vừa động viên em gái, vừa thẳng thắn khuyên nhủ: Em đã trưởng thành, phải tự quyết định thôi. Nhưng hãy làm nhưng gì thấy đúng, có ý nghĩa và bằng chính sức lực, khả năng của mình. Tình yêu của hai em rất đẹp, hãy trân trọng nhưng phải là hai nửa gộp lại, có cả bù đắp và chia sẻ, nếu ép buộc sẽ rạn nứt, nếu phụ thuộc dễ mất sự trân trọng, bền vững.
Sau một đêm thức trắng, Hoa chủ động gặp Tuấn đề nghị anh trình bày với bố mẹ việc cưới hỏi cô xin vâng lời. Cưới xong, Tuấn cứ đi nước ngoài, cô ở nhà vừa công tác vừa chăm sóc bố mẹ hai bên, hết nhiệm kỳ vợ chồng đoàn tụ. Vì cô không thể xa được mái trường với bao ấp ủ dang dở. Mẹ cô dạo này bệnh dạ dày tái phát, nay yếu mai đau. Rồi mấy chục cô cậu học trò lúc nào cũng ríu rít, quây quần, coi cô như chị, như mẹ…
Đúng ba ngày sau, Tuấn thông báo gia đình anh, nhất là mẹ yêu cầu con trai bà ra nước ngoài phải có gia đình chăm sóc. Là vợ Tuấn, cô phải chấp nhận. Bản thân Tuấn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội “có một không hai này”. Nhìn anh cố làm ra vẻ cứng rắn mà vẫn không giấu được mệt mỏi, thất vọng, lòng cô tan nát, rối bời nhưng vẫn không thể thay đổi quyết định của mình. Đám cưới bị hoãn lại, tình cảm hai đứa bị gián đoạn. Mẹ Tuấn cho cô 15 ngày để suy nghĩ thay đổi. “Cứ như kiểu tòa tuyên án” - Hoa chua chát trong lòng. Vừa bế tắc vừa buồn trách Tuấn, cô trở nên ít nói, buông xuôi.
…Ăn Tết xong, Tuấn sang từ biệt gia đình Hoa để đi công tác nước ngoài. Lúc chia tay ngoài cửa, giọng anh ngàn ngạt: Mong Hoa hiểu. Nhớ giữ sức khỏe và thường xuyên liên lạc. Tuấn sẽ chờ sự thay đổi ở Hoa. Nói rồi anh bước nhanh ra xe. Hoa không nói câu nào, răng cắn chặt vào môi. Cô không khóc nổi. Xe Tuấn vụt đi nghiêng ngả trong làn mưa phùn bay bay và một màn sương mỏng che cái nhìn theo của Hoa… Thời gian lặng lẽ trôi đi, đưa mọi kỷ niệm buồn vui của mỗi người và cả thế giới vào túi ký ức khổng lồ của nó. Lời chia tay đã nói qua Viber. Một sự mất mát không dễ nói thành lời với cả Tuấn và Hoa vì cả hai chưa một giây phút nào nghĩ đến kết cục này. Cảm giác tê tái, trống rỗng cứ đeo đẳng cô mãi. May sao có Mẹ. Hình như Bà đã suy đoán và hiểu sẽ có hôm nay. Mãi sau này Hoa mới biết, Mẹ còn cặm cụi đến tận trường nhờ chỉ huy Khoa và đồng nghiệp của cô. Hội phụ nữ Khoa cũng đã lặng lẽ lên kế hoạch, thay nhau gần gũi động viên, hỗ trợ, chăm sóc cô và coi như không biết chuyện xảy ra. Có một tình tiết mãi sau này mới “bị lộ”, đó là anh Khắc Việt tự nhiên ga lăng hẳn lên, chiêu đãi chị em một buổi mời chuyên gia đến nói chuyện về bình đẳng giới và bản lĩnh người phụ nữ hiện đại. Qua buổi đó, Hoa giải tỏa được phần nào và tự tin hơn. Cứ thế, cô dần nguôi ngoai, dồn hết tâm sức vào công việc và dành nhiều thời gian cho học trò.
Rồi những kết quả ngoài mong đợi đã đến. Hoa tốt nghiệp thanh nhạc loại xuất sắc, được một giải Nhì Sao mai Toàn quốc phong cách thính phòng. Hai lớp do cô chủ nhiệm các em đều tốt nghiệp phổ thông trung học tỉ lệ cao. Đội tuyển Olympic tiếng Anh Nhà trường do cô phụ trách thi cấp toàn quân vào đến vòng chung kết xếp hạng... Cô được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức vụ Tổ trưởng tổ bô môn.
Có một sự trùng lặp là cùng năm đó, anh Khắc Việt cũng được bổ nhiệm trưởng ban nghệ thuật nhà hát thực hành của trường trong phía Nam. Ngày chia tay đi nhận công tác mới, anh cứ bịn rịn, ấp úng như muốn nói một điều gì đó với Hoa. Phát hiện ra, chú Phó chính ủy cầm tay hai đứa đặt vào nhau nửa đùa nửa thật: “Này, hiện đã có 14 cặp vợ chồng thuộc quân số của Trường, tôi chính thức giao nhiệm vụ cho các bạn là cặp thứ 15 nhé”. Mọi người ồ lên cười vui. Cây đa nơi sân trường xào xạc lá, hòa thanh với giai điệu của bản nhạc “Tình yêu…” các em học viên đang luyện tập trên hội trường, tạo nên một tiết tấu vui nhộn. Hoa và Khắc Việt nhìn nhau bối rối, mặt đỏ bừng... Trong cô trào dâng một cảm xúc vừa quen, vừa mới lạ. Những cô chú, anh chị em nơi đây đã làm nên một phần cuộc sống của cô. Và tình yêu cô dành cho ngôi trường với nghề dạy học cùng nghiệp hát ca sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Hà Nội, tháng 11/2017
Tiết mục biểu diễn trong lễ khai giảng năm học 2017-2018