Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Lớp Trung cấp Thanh nhạc H36 biểu diễn thực nghiệm trích đoạn vở nhạc kịch “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Admin 02/07/2018
Tối ngày 29/6/2018, khoa Thanh nhạc – Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tổ chức chương trình biểu diễn thực nghiệm trích đoạn vở nhạc kịch “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Biểu diễn: lớp Trung cấp Thanh nhạc H36; Chỉ huy, dàn dựng, hướng dẫn: NSƯT Mạnh Chung, ThS Hương Diệp. Dự và chỉ đạo có đồng chí Đại tá, NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Nhà trường; Đại tá, ThS Trần Văn Kim – Chính ủy; cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo phòng, khoa, ban và đông đảo học viên, sinh viên (HV, SV) Nhà trường.

 Vở nhạc kịch “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là một tác phẩm công phu, tâm huyết, đầy trí tuệ. Bằng nghệ thuật ca, múa, nhạc, vở nhạc kịch “Lá đỏ” ca ngợi về chiến công của các nam, nữ thanh niên xung phong, bộ đội, công binh, ca ngợi tình yêu trong sáng của lứa tuổi 20, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đây là tác phẩm thuộc thể loại sân khấu âm nhạc kinh điển; lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ (Nhạc: Hoàng Hiệp, Thơ: Nguyễn Đình Thi), Nguyễn Thị Hồng Ngát đã viết kịch bản thơ “Lá đỏ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đảm nhiệm phần âm nhạc. Vở nhạc kịch đã được các nghệ sĩ của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa...

Khoa Thanh nhạc đã lựa chọn một trích đoạn trong vở nhạc kịch “Lá đỏ” để dàn dựng cho HV, SV lớp Trung cấp Thanh nhạc H36 biểu diễn. Đây là những cảnh diễn tả nam nữ thanh niên xung phong gặp gỡ giữa núi rừng Trường Sơn. Họ cùng nhau hát vang những bài ca thể hiện sự hồn nhiên, lạc quan, trong sáng như: tốp nữ hát về tuổi xuân, tốp nam nữ hát “Hò đắp đường”, tốp nữ hát về chiếc lá đỏ… Mặc dù chỉ là một trích đoạn trong nhạc kịch, nhưng cũng có đủ các hình thức thể hiện như hợp xướng, tốp ca, Aria. Có thể nói, đây là một vở nhạc kịch rất khó thể hiện cả về nội dung, ý nghĩa, kỹ thuật Thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, nỗ lực của cả thầy và trò, HV, SV lớp Trung cấp Thanh nhạc H36 đã mang đến cho khán giả một hình ảnh, không khí tươi trẻ, sôi nổi, đầy nhiệt huyết của những cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội dũng cảm, gan lì trong chiến đấu, nhưng lại rụt rè, e thẹn trước sự mạnh dạn, hài ước của các cô gái giữa không gian núi rừng Trường Sơn. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, các nhân vật của vở nhạc kịch do HV, SV Nhà trường đảm nhiệm hiện lên với khí phách dũng cảm, tâm hồn trong sáng, cao đẹp, đằm thắm yêu thương. Các em đã hát tốt các ca khúc trong trích đoạn của vở nhạc kịch với kỹ thuật Thanh nhạc vững vàng, giọng hát có nội lực, giàu sức biểu cảm. Đặc biệt, HV, SV đã thể hiện khả năng biểu diễn tự tin, sáng tạo, hóa thân vào các nhân vật một cách chân thực, tạo nên không khí sinh động. Các em phần nào đã chuyển tải được cái hồn của tác phẩm vào từng vai diễn, từng cảnh, từng hành động qua giọng hát giàu sức truyền cảm của mình.

Đây là lần đầu tiên khoa Thanh nhạc thực nghiệm đưa hình thức biểu diễn nhạc kịch ứng dụng cho HV, SV thực hành biểu diễn. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao khả năng biểu diễn cho HV, SV. Các em được rèn luyện kỹ năng biểu diễn ngày từ khi học tập trong Nhà trường. Từ đó, sau khi ra trường, HV, SV có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc của các đơn vị hoạt động nghệ thuật. Trên cơ sở thành công bước đầu của chương trình biểu diễn thực nghiệm, lãnh đạo Nhà trường tiếp tục yêu cầu khoa Thanh nhạc nghiên cứu, đẩy mạnh hơn hình thức biểu diễn nhạc kịch và cả đối với dòng nhạc dân gian, nhạc nhẹ. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, gắn với chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, đó là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật mà xã hội và quân đội cần. 

Một số hình ảnh trong chương trình biểu diễn thực nghiệm trích đoạn vở nhạc kịch “Lá đỏ”: 

anh H36 la do 1

anh H36 la do  2

 anh H36 la do 3

 Tin, ảnh: DUY THỊNH

Tin bài khác