Khẳng định giá trị lịch sử và hiện thực của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Báo cáo đề dẫn do Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị trình bày, chỉ rõ: Cách đây 70 năm, tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị thành lập Đội Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức, tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ – tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề dẫn khẳng định: “Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa khai sinh Quân đội nhân dân Việt Nam; mà còn mang tầm vóc một cương lĩnh quân sự trực tiếp chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 70 năm qua”.
Với mục đích tiếp tục góp phần làm sáng tỏ tầm vóc lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn to lớn kết tinh trong chỉ thị thành lập quân đội; xuất phát từ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với ý thức, trách nhiệm chính trị cao đối với sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT) trong quân đội, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 120 tham luận.
Tại Hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ những nét đặc sắc trong tư duy, tư tưởng Hồ Chí Minh hàm chứa trong chỉ thị. Các tham luận đã chú trọng phân tích, làm rõ giá trị lý luận, thực tiễn của chỉ thị đối với việc xây dựng và thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đối với sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội. Đặc biệt, từ nhiều góc độ tiếp cận, các tham luận đã cung cấp thêm nhiều luận cứ, tư liệu lịch sử quý có giá trị khoa học, góp phần khẳng định: Ngay khi ra đời, trong cơ cấu Đội VNTTGPQ đã tổ chức chi bộ đảng và cơ quan chính trị để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Ban Công tác chính trị đầu tiên được thành lập, đánh dấu sự ra đời của cơ quan chính trị trong quân đội. Điều này là cơ sở để khẳng định, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng đội ngũ CBCT trong quân đội được khởi nguồn ngay từ thời điểm sinh thành của quân đội. Những chỉ đạo của Bác Hồ về việc tổ chức Đội VNTTGPQ và những chỉ dẫn của Người trong chỉ thị đã đặt nền móng, tiền đề lý luận cho việc xác định mục tiêu, phương châm, nguyên tắc lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo CBCT trong quân đội.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh, đánh giá cao Trường Đại học Chính trị đã lựa chọn và xác định chủ đề hội thảo hết sức ý nghĩa, cấp thiết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị. Đồng chí Phó Chủ nhiệm TCCT đã dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ thêm giá trị của chỉ thị cả về phương diện lý luận cơ bản; giá trị đối với hoạt động CTĐ, CTCT; giá trị đối với việc bồi dưỡng, đào tạo CBCT trong quân đội… đồng thời khẳng định: Trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo những chỉ dẫn mang tầm chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng quan tâm, chăm lo, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ CBCT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cơ sở bám sát tình hình cách mạng, yêu cầu xây dựng quân đội trong mỗi thời kỳ và sự phát triển của lý luận, thực tiễn CTĐ, CTCT. Sự trưởng thành và những cống hiến xuất sắc của lớp lớp chính ủy, chính trị viên, của đội ngũ CBCT trên khắp các chiến trường, ở mọi đơn vị trong toàn quân là những minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị lịch sử của chỉ thị. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Trường Đại học Chính trị nói riêng, các đơn vị trong toàn quân nói chung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những giá trị tư tưởng cốt lõi của chỉ thị vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trọng tâm là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; lấy xây dựng đội ngũ CBCT và cơ quan chính trị làm khâu then chốt, trực tiếp quyết định chất lượng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu: Các đơn vị cơ sở trong toàn quân nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng đội ngũ CBCT trong tình hình mới; cần có kế hoạch, nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp bồi dưỡng CBCT trên cơ sở chương trình chung của toàn quân và phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ từng đơn vị. Phải lấy hoạt động thực tiễn là điều kiện thử thách, sàng lọc, lựa chọn những người tích cực nhất để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng CBCT.
HỮU KHIẾT – TẤN TUÂN
(nguồn: Báo Quân dội nhân dân)