Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh xuân - hè, bệnh nhiễm khuẩn não mô cầu cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường
I. Bệnh nhiễm khuẩn não mô cầu
Viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra, diễn biến nhanh và quái ác. Có thể lấy đi sinh mạng trong vòng 24 giờ sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Viêm não mô cầu lây nhiễm qua những hoạt động thường ngày như: tiếp xúc gần với bệnh nhân, người chung sống cùng gia đình ăn, uống chung cốc, chén…
1.1. Biểu hiện sớm của bệnh
- Sốt cao 39 - 400C
- Buồn nôn và nôn
- Cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn
- Đau đầu, chóng mặt
- Đau họng, chảy nước mắt
1.2. Biểu hiện muộn của bệnh (Triệu chứng đặc hiệu)
- Xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi - Cứng gáy, đau cổ, co cứng - Sợ ánh sáng - Mê sảng, lú lẫn - Co giật kiểu động kinh - Mất ý thức, rối loạn cảm giác
II. Bệnh quai bị
2.1. Nguyên nhân
Bệnh quai bị là bệnh lành tính do Vi rút Paramyxovirus lây truyền theo đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi, dùng chung đồ vật.
2.2. Biểu hiện bệnh
- Khi mới nhiễm bệnh, bệnh nhân thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai.
- Ngày thứ 2-3 của bệnh, sốt cao 39-400C trong 3-4 ngày, chảy nước bọt.
- Một bên má bắt đầu sưng to, sau 1 hoặc vài ngày lan sang bên kia gây đau khi nuốt nước bọt.
- Bên má sưng đau nhưng không tấy đỏ, da bóng, ấn không lún, không hóa mủ, họng đỏ nhẹ. Ống Stenon hơi tấy.
Biểu hiện của bệnh quai bị (Ảnh sưu tầm)
2.3. Biến chứng bệnh quai bị
- Viêm não, viêm màng não.
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn.
- Viêm buồng trứng.
- Vô sinh.
- Ngoài ra còn có các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ…
III. Bệnh sởi, Rubella
3.1. Nguyên nhân, đường lây:
- Bệnh Rubella còn được gọi là sởi Đức. Là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút rubella gây nên. - Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
- Bệnh Rubella lây truyền qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt dịch tiết đường mũi họng (nước bọt, nước mũi) có chứa vi rút của người bệnh khi tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt với người bệnh. Tiếp xúc với các vật dụng, các bề mặt (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi…) có dính chất tiết mũi họng của người bệnh. Điều kiện thuận lợi để bệnh Rubella lan rộng là: môi trường sống chật chội, thiếu ánh sáng, không vệ sinh (nhà trọ, ký túc xá v.v…). Người bị bệnh Rubella có thể lây truyền bệnh cho người khác một tuần trước khi phát ban và từ 1 đến 2 tuần sau khi ban đã lặn hết.
3.2. Biểu hiện bệnh
- Sốt nhẹ trên 370C kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, chảy mũi trong, đau họng, đôi khi có đỏ mắt.
- Phát ban: Ban đỏ, từng đốm lan tỏa, ban rát sần. Đặc biệt ban mọc đầu tiên ở mặt, sau đó lan ra thân mình (trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân).
- Đau khớp.
- Nổi hạch sau tai.
- Ở người lớn và trẻ lớn, bệnh thường nặng hơn trẻ nhỏ.
IV. Bệnh Thủy đậu
4.1. Nguyên nhân, đường lây
- Bệnh do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên.
- Bệnh Thủy đậu rất dễ lây truyền khi người lành hít phải dịch tiết của người bệnh bị ho, hắt hơi, nói chuyện…
4.2. Triệu chứng
- Sốt thường sốt nhẹ trong một vài ngày
- Vết rát đỏ trên da sau một vài ngày xuất hiện mụn nước giữa các vết đỏ, mụn nước lúc đầu chứa dịch trong, sau đục như mủ rồi đóng vẩy và rụng dần. Mụn nước lúc đầu thường mọc ở thân mình sau lan lên mặt, chân tóc, tay, chân… Trong cùng một thời gian, trên cùng một vùng da có thể thấy nhiều dạng khác nhau như: vết đỏ, mụn nước trong, đục, đóng vẩy. Nếu không có biến chứng bệnh có thể khỏi sau 1- 2 tuần không để lại sẹo.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
- Phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc bị bệnh để tránh lây nhiễm cộng đồng.
- Vệ sinh sạch sẽ gọn gàng nơi ăn ở, làm việc, tránh ẩm thấp. Bảo đảm đủ ánh sáng, thông khí tốt.
- Có nếp sống vệ sinh khoa học như: tăng cường thể dục, thể thao; ăn chín uống sôi; đủ dinh dưỡng cân đối các thành phần, uống đủ nước (2 - 2,5l nước/ngày); giữ ấm cổ, ngực, không mặc quần áo ẩm ướt; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; đánh răng ngày 2 lần; nhỏ mũi và súc họng nước muối ấm 0,9% hàng ngày.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc bị mắc bệnh, kịp thời báo Quân y Nhà trường qua số điện thoại quân sự 522460 (Bs Thanh 0987.069.589; Bs Gấm 0978.637.159), hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
BS LƯƠNG ĐỨC THANH (Sưu tầm và tổng hợp)