Hướng dẫn Phòng, chống bệnh giao mùa thu - đông
Mùa thu đông, thời tiết thay đổi thất thường, hệ miễn dịch cơ thể yếu hơn, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Bởi vậy, việc phòng, chống dịch bệnh mùa thu đông là hết sức cần thiết, nhất là đối với người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính, người lớn tuổi, vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Hiện nay, trên địa bàn khu vực các đơn vị của Nhà trường đóng quân xuất hiện một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, cúm A,B... Bên cạnh đó dịch Covid- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng chống dịch bảo đảm tốt sức khỏe của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên Nhà trường. Ban Quân y khuyến cáo một số biện pháp phòng chống dịch như sau:
I. Nguyên nhân, triệu chứng một số bệnh thường gặp
1. Bệnh sốt xuất huyết (SXH)
- Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi vằn (Aedes Aegypti). Sốt xuất huyết đang có xu hường gia tăng, theo nhận định của các chuyên gia y tế dịch có thể đạt đỉnh vào khoảng trung tuần tháng 11.
- Triệu chứng thường gặp: Sốt- sốt cao đột ngột trên 38,50C kéo dài 2-7 ngày kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nhức hai hốc mắt, buồn nôn, nôn; ban, đốm xuất huyết dưới da, chảy máu (chân răng, mũi, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, kinh nguyệt kéo dài...); một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan, viêm não, viêm cơ tim.
2. Bệnh cúm
- Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nhiều loại virus gây ra, song chủ yếu do ba nhóm virus chính là A, B và C. Bệnh lây qua đường hô hấp, có khả năng lây lan nhanh.
- Triệu chứng chủ yếu: Sốt cao liên tục trên 38,50C; hắt hơi, sổ mũi, ho, đau rát họng, đau đầu, đau mỏi cơ khớp; mệt mỏi, chán ăn, giảm vị giác...
3. Viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng
- Là tổn thương cấp tính trên da sau khi tiếp xúc với nọc độc hoặc hóa chất của côn trùng như kiến ba khoang, ruồi Tây Ban Nha, bướm đuôi vàng...
- Thường bị ở vùng da hở ngay sau khi tiếp xúc côn trùng có biểu hiện đỏ rát, sau đó xuất hiện các mảng hoặc đốm da phù nề, sau 1- 2 giờ hình thành những bọng nước hoặc mụn nước; kèm theo triệu chứng đau rát, ngứa ngáy, bứt dứt, nếu nặng có thể xuất hiện sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức, nổi hạch gần vùng da tổn thương.
4. COVID- 19
- Là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do chủng virus corona SARS- CoV-2 gây ra.
- Sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, đau rát họng, ho hắt hơi sổ mũi có thể khó thở, giảm hoặc mất khứu và hoặc vị giác; test nhanh Covid- 19 dương tính.
II. Phòng bệnh
- Bảo đảm ăn chín, uống sôi, đủ dinh dưỡng, cân đối thành phần đạm, đường, mỡ. Uống đủ nước ngày 1,5- 2 lít, tăng cường ăn, uống nước hoa quả
- Thể dục thể thao hợp lý, tránh thức khuya, tránh lao động quá sức; giữ ấm cổ ngực, tránh nhiễm lạnh
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, xúc họng nước muối 0,9% ngày 2-3 lần, đeo khẩu trang nhất là khi đến nơi đông người; hạn chế tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm bệnh lây truyền đường hô hấp;
- Làm cửa chống côn trùng vào nhà, nằm ngủ màn tránh muỗi đốt; tránh tiếp xúc trực tiếp với côn trùng, không phơi quần áo dưới tán cây.
- Thường xuyên duy trì nội vụ, sắp xếp đồ dùng gọn gàng ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ nơi ăn ở, làm việc; 2-3 ngày thay nước lọ hoa, cây cảnh; không để nước đọng khu vực ngoại cảnh.
- Tiêm phòng vắc xin Covid- 19 theo quy định.
- Liên hệ Quân y Nhà trường hoặc cơ sở y tế để khám, tư vấn, sử dụng thuốc. Tuyệt đối không tự sử dụng thuốc nhất là thuốc Aspirin hoặc thuốc Ibuprofen khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.
Sưu tầm, tổng hợp Bs Lương Đức Thanh