Hội thảo "Phương hướng đào tạo Thanh nhạc ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong những năm tới"
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh đưa ra bốn nội dung chính thảo luận tại Hội thảo như sau:
- Thực trạng về công tác dạy và học Thanh nhạc nói chung, công tác đào tạo Thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nói riêng, nguyên nhân của ưu điểm và hạn chế;
- Các mô hình đạo tạo Thanh nhạc theo phong cách trên thế giới và Việt Nam hiện nay, tính phổ cập của nó đối với nhân lực đào tạo Thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội;
- Xây dựng các mô hình đào tạo chuyên sâu chuyên ngành Thanh nhạc trên cơ sở lý luận, hướng tới ứng dụng thực tiễn vào công tác đào tạo Thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội;
- Xây dựng đề án “Phát triển công tác giáo dục đào tạo Thanh nhạc trong những năm tới tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội”.
Có nhiều tham luận được trình bày tại Hội thảo tập trung vào vấn đề bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn đối với các giảng viên trẻ, kiến thức nghệ thuật cơ bản đối với các Học viên, sinh viên Thanh nhạc nhằm phát triển đồng bộ giữa công tác dạy và học Thanh nhạc, bởi theo Nhạc sĩ Tuấn Phương thì “Phong cách âm nhạc không định hình đối với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, bên cạnh đó là sự khuyết thiếu trong vấn đề cập nhật thông tin chuyên ngành qua các kênh truyền thông, vì vậy không đảm bảo tính mới trong các sản phẩm âm nhạc, các phương pháp giảng dạy dần trở thành lối mòn, lạc hậu so với các nước trong khu vực”.
NSƯT Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội trao đổi về công tác đào tạo Thanh nhạc, cụ thể là hai cơ sở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội: “Mỗi cơ sở đào tạo Văn hóa Nghệ thuật đều có thế mạnh riêng. Nếu Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với thế mạnh về công tác đào tạo Thanh nhạc Thính phòng – Cổ điển, thì Trường tôi và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội có chung thế mạnh là đào tạo Thanh nhạc phong cách nhạc nhẹ để cho ra đời những nghệ sĩ biểu diễn Thanh nhạc hoạt động chuyên nghiệp trên các sân khấu biểu diễn. Với tiêu chí này, tôi nghĩ quý Trường đã thực hiện hiệu quả, tôi hi vọng sẽ có những mô hình đào tạo tài năng vượt trội cho chuyên ngành Thanh nhạc”
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh nhấn mạnh “Đào tạo Thanh nhạc nói chung, xây dựng các mô hình đào tạo Thanh nhạc định hình phong cách và chuyên sâu là một trong những vấn đề rất quan trọng, cấp bách trong công tác giáo dục đào tạo tài năng âm nhạc nhằm phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho Quân đội và Nước nhà, tôi tán thành các tham luận và đề nghị cơ quan quản lý khoa học và Phòng Đào tạo tiếp thu tham luận của các đại biểu và khẩn trương xây dựng Đề án đào tạo Thanh nhạc nâng cao tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trong năm 2016 nhằm đổi mới, phát triển công tác giáo dục đào tạo và tiêu chí nghệ thuật trong thời đại mới, cập nhật kịp thời với thế giới.”
Tin: PHƯƠNG OANH
Ảnh: TIẾN THÀNH