Hội nghị nghiệm thu giáo trình, sách chuyên khảo của cán bộ, giảng viên Khoa Kiến thức Nghệ thuật cơ bản
Chiều ngày 13/10/2023, Hội đồng khoa học Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tổ chức hội nghị nghiệm thu 02 giáo trình, sách chuyên khảo của cán bộ, giảng viên Khoa Kiến thức Nghệ thuật cơ bản, gồm: giáo trình “Lý thuyết âm nhạc tổng hợp cấp độ 3” (dùng cho đào tạo bậc trung cấp nghệ thuật chuyên nghiệp) (Chủ biên: Thượng úy, ThS Bùi Quỳnh Anh) và sách chuyên khảo “Thủ pháp hòa âm trong tác phẩm giao hưởng Việt Nam sau 1975” (Biên soạn: Thượng tá, TS Vũ Tú Cầu).
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Đại tá, NSND Trần Xuân Thanh- Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cùng các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu, đại biểu phòng, khoa và đại diện các ban biên soạn.
Lý thuyết âm nhạc tổng hợp là môn học cần thiết, có vai trò quan trọng với học viên ngay từ những bài học đầu tiên. Đây là môn học có nội dung tích hợp các kiến thức tách rời nhau giữa các môn học như Lý thuyết âm nhạc, Hòa âm, Hình thức âm nhạc… đồng thời giảm tải nội dung lý thuyết cũng như một số kiến thức không quan trọng, tăng cường một số nội dung mới giúp học viên nắm được những kiến thức cần thiết. Tiếp nối nội dung của hai cuốn giáo trình “Lý thuyết âm nhạc tổng hợp cấp độ 1” và “Lý thuyết âm nhạc tổng hợp cấp độ 2”, nhóm tác giả đã biên soạn tiếp cuốn giáo trình ở cấp độ 3 gồm 7 bài học với các nội dung về tiết tấu, quãng, hòa âm và điệu thức. Các nội dung này được mở rộng hơn hai giáo trình trước, đặc biệt ở phần Hòa âm- phần có lượng kiến thức nhiều nhất trong cấp độ 3. Để người học nắm được các kỹ năng và kiến thức tốt nhất, nhóm tác giả biên soạn thêm phần bài tập và các bài kiểm tra dưới dạng đề thi mẫu trên cơ sở tổng hợp kiến thức của toàn bộ nội dung chính trong cấp độ 3 nhưng vẫn có sự liên kết kiến thức của 2 cấp độ trước.
Sách chuyên khảo “Thủ pháp hòa âm trong tác phẩm giao hưởng Việt Nam sau 1975” gồm 4 chương, nội dung chính là đưa ra những nhận xét tổng quát về nội dung, thể loại của các sáng tác giao hưởng Việt Nam sau 1975. Phân tích và hệ thống hóa ngôn ngữ hòa âm trong các tác phẩm giao hưởng của Việt Nam giai đoạn sau năm 1975, qua đó đưa ra những nhận định về việc vận dụng sáng tạo các thủ pháp hòa âm phương Tây trong các tác phẩm giao hưởng Việt Nam đồng thời đưa ra một số phương thức tìm tòi, đổi mới trong lĩnh vực hòa âm nhằm tạo nên bản sắc dân tộc của các nhạc sĩ. Tác giả cuốn sách cũng đưa ra một số ý kiến về việc sáng tác, nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực hòa âm trong sáng tác giao hưởng Việt Nam ở giai đoạn hiện nay và bổ sung một số kinh nghiệm ứng dụng các thủ pháp hòa âm vào giáo trình giảng dạy môn Hòa âm, Lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại tại các cơ sở đạo tạo âm nhạc trong nước.
Các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến phản biện khách quan, chặt chẽ, cụ thể với 02 cuốn giáo trình, sách chuyên khảo. Việc biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo là cần thiết, quá trình biên soạn công phu, nghiêm túc, nội dung đầy đủ và chất lượng tốt, đảm bảo kiến thức, kết cấu, trình bày hợp lý, có giá trị khoa học cao, có giá trị ứng dụng tốt trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên.
Hội đồng đã thống nhất cao trong việc đánh giá, nghiệm thu và đưa vào sử dụng hai giáo trình, sách chuyên khảo của Khoa Kiến thức Nghệ thuật cơ bản. Qua hội nghị nghiệm thu, có thể nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên Nhà trường. Đây là nền tảng góp phần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của Nhà trường.
Tin: Thu Thủy
Ảnh: Nguyễn Thực