Hội nghị nghiệm thu 03 tài liệu dạy học năm 2021
Hội nghị đã nghiệm thu 3 tài liệu dạy học, gồm: "Những bài tập múa cơ bản dân gian dân tộc Việt Nam năm thứ hai" (Ban biên soạn: Thiếu tá, ThS Lê Thị Quỳnh Phương – Chủ biên; Trung tá, ThS Phạm Thanh Tùng; Thiếu tá CN, ThS Đinh Đức Thắng; Nguyễn Thị Thanh Hải; Nguyễn Thị Diệu My); "Tuyển tập nhạc đệm Piano cho múa cổ điển châu Âu (dùng cho đào tạo năm thứ ba chuyên ngành Múa, trình độ trung cấp) (Ban biên soạn: Đại úy CN Đỗ Mạnh Tiến – Chủ biên; Thượng tá, ThS Nguyễn Thị Hiền Trang; Trung tá CN Dương Thị Thu Hà; Thiếu tá CN, ThS Nguyễn Thị Hằng; Trung tá CN, ThS Thái Thị Phương Hoa) và tài liệu "Tuyển tập Gam và bài tập cho Keyboard" tập 1 (bậc trung cấp 4 năm chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ) (Ban biên soạn: Thượng tá Hồ Hữu Thái – Chủ biên; Đại úy Phạm Hoàng Long).
Hội đồng nghiệm thu cùng các nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài trường với tư cách là các phản biện, ủy viên-thư ký Hội đồng, đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc góp phần hoàn thiện các tài liệu nghiệm thu; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các chủ biên, thành viên tham gia trong việc biên soạn và hoàn thiện các tài liệu giảng dạy theo đúng tiến độ và đảm bảo tính khoa học, tính ứng dụng và thực hành cao.Cũng theo đánh giá của Hội đồng, các tài liệu đã cập nhật nhiều kiến thức mới, sử dụng những phương pháp nghiên cứu thích hợp có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Đặc biệt, tài liệu "Những bài tập múa cơ bản dân gian dân tộc Việt Nam năm thứ hai" có kèm các video clip hướng dẫn thực hành các động tác múa; tài liệu "Tuyển tập Gam và bài tập cho Keyboard" tập 1 (bậc trung cấp 4 năm chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ) sử dụng mã QR dẫn tới các hướng dẫn, phần đệm trong tài liệu giúp các học viên, sinh viên có thể tự học, tự luyện tập, thực hành. Đây là cách làm sáng tạo, thể hiện khả năng khai thác tốt kho tài nguyên học liệu mở khổng lồ trên nền tảng chia sẻ miễn phí cho cộng đồng. Nhóm tác giả sử dụng mã QR cho phần nhạc đệm (Link Youtube) rất được khuyến khích trong quá trình Nhà trường đang tiến hành công tác Chuyển đổi số, số hóa và đa dạng nội dung bài giảng để phục vụ công tác giảng dạy của tổ Đàn phím, khoa Âm nhạc nói riêng và các khoa nghệ thuật chuyên nghiệp nói chung.
Kết cấu của các tài liệu hợp lý, nội dung cân đối, phù hợp với mục tiêu đào tạo, đảm bảo về kiến thức, kỹ năng, bám sát vào chương trình chi tiết của các môn học, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên Nhà trường.Hội đồng đã thống nhất cao trong việc đánh giá, nghiệm thu 03 tài liệu dạy học để đưa vào sử dụng làm tài liệu giảng dạy trong Nhà trường. Đồng thời yêu cầu các nhóm biên soạn chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, tiếp tục đầu tư nghiên cứu các giáo trình, tài liệu theo định hướng giáo dục-đào tạo của Nhà trường./.
Tin: Thu Thủy
Ảnh: Thúy Hoàn