Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Hồ Chí Minh - Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại

Admin 18/05/2022
 Mỗi dịp tháng Năm, nhân dân cả nước đều nhớ đến sinh nhật Bác Hồ, trong trái tim mỗi người đều dấy lên một cảm xúc bồi hồi, xúc động khó tả. Đã 53 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, mãi mãi tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), chúng ta một lần nữa thành kính tưởng nhớ, dâng nén tâm nhang hướng về Người, tri ân Người về tất cả.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hội tụ, kết tinh trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ Tịch đối xử với người, với việc luôn có lý, có tình. Bác Hồ dành muôn vàn tình thân yêu với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt".

 Bác còn là biểu tượng sinh động cho phong cách sống của một con người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, không ham danh lợi đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng trên hết. Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ.

 Vào buổi sáng ngày 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội), lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, trong buổi sinh nhật ấy, đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: "Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ...Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc..."1

 Năm 1948, Bác đã viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã gửi thư chúc mừng nhân ngày sinh của Người. Bức thư có đoạn: "Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn..."

 Do không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, trước ngày 19/5/1948, Người đã làm bài thơ "Không đề" trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.Chờ cho kháng chiến thành công đã,Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

 Là vị lãnh tụ của Đảng, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác căn dặn việc Đảng, việc nước, việc dân, phòng trước khi Người đi xa. Dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh, đúng 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu "Tuyệt đối bí mật" - "Bản Di chúc" để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Năm 1968, vào ngày sinh nhật 19/5, Bác xem và bổ sung "Bản Di chúc". Một ngày sau, tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (20/5/1968), sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo và lời chúc thọ, Bác nói: "Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ thế này:

"Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,Vẫn vững hai vai việc nước nhà.Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,Tiến bước, ta cùng con em ta".

 Đến năm 1969, trọn vẹn ngày sinh 19/5, Bác ở lại Phủ Chủ tịch. Sau khi tiếp các cháu là con của các đồng chí phục vụ đến chúc thọ, Bác xem kỹ lại toàn bộ các bản viết Di chúc của Người vào các năm 1965, 1968 và 1969. Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng giúp việc cho Bác viết: "... ngày 19/5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, đã diễn ra thật ấm cúng thân tình. Bác ngồi ở đầu bàn, Phan Thị Quyên ngồi bên trái Bác, Nguyễn Thị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh anh Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ ba thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam". Có ai ngờ rằng, đó là ngày kỷ niệm sinh nhật cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ.

 Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng thiết thực và quan trọng cấp thiết với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là học và làm theo về tấm gương sáng ngời, mẫu mực của Người. Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.

 Năm 1969, trong Điếu văn mà đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh có những câu: "Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ Tịch tới đích cuối cùng..."3. Đây vừa là lời thề, vừa là sự thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong nỗ lực học tập và làm theo ý nguyện của Người trước khi mất. Thực hiện lời dạy của Bác, toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên, học viên, sinh viên, chiến sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội luôn quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Chỉ thị số 855-CT/QUTƯ ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, rèn luyện mình trở thành những "Chiến sĩ – Nghệ sĩ, Truyền thống – Hiện đại; Cống hiến – Tiên phong" như giá trị cốt lõi mà Nhà trường đã xác định. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội luôn là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực văn hóa,văn học, nghệ thuật, báo chí, văn thư lưu trữ cho quân đội, đất nước và quốc tế; nghiên cứu khoa học; biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

bh1

 Bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, chụp năm 1960.

Trên chặng đường mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đang phấn đấu trở thành Nhà trường tiên tiến, hiện đại, hàng đầu của quân đội và quốc gia về đào tạo văn hóa nghệ thuật, tiệm cận trình độ quốc tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với lời dạy của Người: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"./.

Bài: Phương HàẢnh: sưu tầmTài liệu tham khảo:1. Trang điện tử Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh2. https://tuoitre.vn/toi-chi-co-mot-cach-bao-dap3. Trang điện tử Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Tin bài khác