Hành trình đi tìm ngọn nguồn cảm hứng sáng tác
Sau ngày khai mạc, các nhạc sĩ tạm biệt “thành phố trong sương”, hành quân đến các đơn vị đóng quân để thâm nhập thực tế, tìm hiểu về đời sống của bộ đội vùng biên ải. Từ thành phố Lào Cai, ngược sông Hồng, vượt qua thị trấn Bát Xát, rồi mất khoảng 1 giờ đi xe ô tô, chúng tôi đến địa phận xã A Mú Sung. Từ trung tâm xã, đi gần 20 km đường nhỏ, gập ghềnh men bờ sông Hồng, chúng tôi tới cột mốc số 92, là điểm ngã ba sông Hồng và suối Lũng Pô. Bên kia sông và suối là đất Trung Quốc. Đây cũng là điểm đầu tiên của đất Việt tiếp nhận nguồn nước từ dòng sông Hồng. Lũng Pô có hai bản, nơi cột mốc số 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam thuộc bản Lũng Pô 2. Từ đây, kéo dài hơn 510 km, chảy qua 9 tỉnh, thành phố (gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định). Có thể nhận thấy dễ dàng sự khác biệt của dòng sông Hồng tại cột mốc 92 với sự phân chia thành hai dòng trong – đục, do đặc trưng của địa lý.
Đứng cạnh cột mốc 92, ngắm dòng nước mải miết chảy về xuôi, chắc hẳn các nhạc sĩ tham gia trại sáng tác lần này đều có cảm giác thiêng liêng, tự hào và đầy cảm hứng cho những “đứa con tinh thần”. Phải chăng, bởi những cảm xúc mãnh liệt ấy mà nhà báo Dương Soái đã viết nên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”: Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng Hai, mùa này con nước/Lắng phù sa in bóng đôi bờ… Sau này, khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, ông đã thay từ “Lào Cai” bằng từ “biên cương”, mang một tầm rộng lớn hơn, phổ quát hơn, bay rộng hơn trên khắp dải biên cương Tổ quốc, trở thành bài hát sống mãi với thời gian.
Nhạc sĩ lão thành, Giáo sư Chu Minh tâm sự: “Tôi đã được đặt chân đến nhiều cột mốc biên giới, lần nào đi tôi đều có cảm giác giống nhau: rất thiêng liêng. Thời chiến, các nhạc sĩ viết về đề tài người lính khá dễ dàng. Nhưng thời nay, để viết về đề tài này lại khó, bởi vì yêu cầu sáng tác đòi hỏi tiết tấu phải đời sống, vừa tình cảm, vừa bốc cháy. Trại sáng tác năm nay quy tụ nhạc sĩ các quân khu, quân chủng, là các nhạc sĩ có tâm huyết, nên kỳ vọng có nhiều tác phẩm tốt, rung động, đi vào lòng người”.
Giáo sư Chu Minh trao đổi, định hướng sáng tác với các nhạc sĩ trẻ
Cảm hứng sáng tác được khởi nguồn từ “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”
Rời Lũng Pô, ô tô chúng tôi lại vượt dốc, vượt đèo để đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345, nằm trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương phức tạp. Tuy gặp không ít khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực, bằng tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm mang no ấm cho đồng bào địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345 đã chủ động vượt qua khó khăn, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc quan điểm “3 bám - 4 cùng - 5 có”… với đồng bào, từng bước triển khai các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố quốc phòng - an ninh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Đoàn nhạc sĩ cùng lưu lại những khoảnh khắc đẹp giữa nắng gió A Mú Sung với cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345
Trung tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Trại phó Trại sáng tác âm nhạc phát biểu tại buổi gặp mặt giữa đoàn nhạc sĩ và cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345
Ngày hôm sau (25/6/2016), chúng tôi lại hành quân lên thăm Đồn biên phòng Mường Khương, thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. So với đường đi Bát Xát, đường đi Mường Khương quanh co hơn, khó đi hơn, nhưng bù lại, thời tiết ở đây mát dịu, ánh nắng chan hòa, cây cối xanh mướt, khoe mình vươn tán giữa đại ngàn. Những nương ngô bám mình trên vách núi, trổ nhiều trái bắp đón mây, đón gió Mường Khương. Đồn biên phòng Mường Khương đóng quân trên địa thế lưng dựa vào vách núi, trước mặt là dãy núi Cô Tiên. Người ta kể lại rằng, xa xưa có một nàng tiên xuống hạ giới du Xuân, thấy nơi đây cảnh đẹp lạ kỳ, sơn thủy hữu tình nên nặng lòng ở lại. Chính vì vậy, núi này được bà con các dân tộc nơi đây gọi là núi Cô Tiên.
Đón đoàn nhạc sĩ trong sự chân tình, cởi mở, Thiếu tá Nguyễn Văn Ước, chính trị viên đồn biên phòng Mường Khương đã báo cáo sơ lược đặc điểm, tình hình hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tuần tra đường biên giới trên bộ. Trò chuyện với lính biên phòng, chúng tôi thêm thấu hiểu về những vất vả, khó khăn mà các anh đã, đang trải qua. Ở Mường Khương, thời tiết chỉ có hai mùa: 6 tháng mùa nắng, 6 tháng mùa mưa. Các đồn đóng quân ở điểm cao, mùa mưa và mây mù kéo dài đến 8 tháng. Có những cung đường tuần tra biên giới, tại những điểm cao, chiến sĩ biên phòng phải leo bộ vượt qua đồi núi, rồi lại leo xuống trong ngày.
Những ngày thời tiết khắc nghiệt, công việc tuần tra, canh gác, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương luôn được duy trì đều đặn. Bộ quân phục sau những buổi đi tuần dưới sương, mưa ướt đẫm, cả mùa lạnh không một giọt nắng khiến quần áo không khô sau khi giặt cả tuần. Trong khi vùng núi cao sương mù phủ kín cả tháng trời, đến phòng ở, đồ dùng và chăn màn cũng ẩm ướt. Nước dành cho sinh hoạt lạnh buốt, để có đủ nước nóng cho tất cả đơn vị là rất khó khăn. Trước những khó khăn đó, chiếc bếp lò hơi cơ khí với tính đa năng đã thực sự trở thành “bảo bối” đem đến niềm vui lớn cho toàn lực lượng trong mùa đông lạnh. Chiếc lò hơi khá gọn và dễ sử dụng, bao gồm bộ phận lò hơi, hệ thống ống thép có bọc lớp bảo ôn dẫn hơi nóng tới những chiếc nồi nấu cơm, thức ăn và nước uống, hơi nóng còn được dẫn tới buồng sấy quần áo, rất hữu ích cho những bộ quân trang dày dặn sẽ được làm khô sau một đêm.
Thăm quan khu bếp biên phòng, nơi đặt lò hơi “đa năng”
Có đến thăm các anh, chúng tôi mới có nhiều trải nghiệm quý báu trong đời. Thật nhanh chóng, các nhạc sĩ đã hội ý và đưa ra một quyết định, một việc làm có tính nhân văn sâu sắc: ủng hộ kinh phí, tặng các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Mường Khương một chiếc xe máy, để các anh thuận lợi hơn trong tuần tra tại các điểm cao. Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ nhiệm Chính trị xúc động đón nhận tấm chân tình từ các nhạc sĩ, đảm bảo sẽ đăng ký biển xe biên phòng, trao lại cho đồn biên phòng Mường Khương để các anh thực hiện tốt nhiệm vụ hơn nữa.
Đoàn nhạc sĩ tặng quà cho đại diện Đồn biên phòng Mường Khương
Tạm biệt các anh, chúng tôi đều mong các anh luôn vững vàng, sừng sững như hàng cây móc vươn mình giữa đại ngàn, bảo vệ hòa bình và lãnh thổ Tổ quốc.
Đoàn nhạc sĩ bịn rịn chia tay các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Khương
Có những chuyến đi không phải để đến với một cái đích nhất định mà là hành trình trưởng thành, tự khám phá chính mình. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rằng: “Nếu chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên những vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống”. Những chuyến đi lên với đồng đội, những người chiến sĩ – nghệ sĩ chúng tôi thực sự có rất nhiều xúc cảm để sáng tác về vẻ đẹp của các anh – người lính Cụ Hồ trong thời bình. Tôi biết chắc chắn rằng, mỗi nhạc sĩ đã tìm được cho mình một cảm xúc riêng, một hình ảnh riêng để bắt tay viết nên những nốt nhạc và ca từ đẹp đẽ. Bộ đội và công chúng hãy cùng chờ đợi các tác phẩm mới nhất, được viết từ trại sáng tác âm nhạc toàn quân năm 2016.
PHƯƠNG HÀ