Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Hành quân về ATK xứ Tuyên

Admin 01/06/2017
Rời Hà Nội trong cơn mưa trái mùa se lạnh, chúng tôi hành quân lên ATK xứ Tuyên. Đường đi quanh co quyện trong mưa và hơi lạnh của núi rừng Việt Bắc khiến chúng tôi thêm tỉnh tảo, sảng khoái sau chuyến đi dài.

Một cảm giác may mắn khi hành quân về nguồn trong tiết trời như vậy, lại thêm phần đặc biệt hơn khi ngày hành quân lại đúng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếng nhạc của ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” được phát ra từ hệ thống âm thanh trên ô tô không khỏi làm chúng tôi xúc động và một cảm giác rất chân thật: Hình như, Bác đang ở nơi đây.

Điểm hành trình chúng tôi đặt chân đến là Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Khu di tích Kim Bình), nơi được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1991 và  tháng 2/2017, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Khu di tích nằm trên địa phận xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; cách thành phố Tuyên Quang khoảng 90 km. Hiện nay, khu di tích còn lưu giữ nhiều yếu tố gốc, được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ, gìn giữ, được đầu tư, phục hồi, tôn tạo, trở thành địa chỉ tham quan của đồng bào trong nước và quốc tế.

Trong các sự kiện chính trị, đại hội, hội nghị, cuộc họp... được Trung ương Đảng tổ chức trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thì sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng ta. Sau khi nước Việt Nam giành độc lập, các kỳ Đại hội Đảng đều họp ở Thủ đô Hà Nội, ngoại trừ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng không theo thông lệ này. Đây là Đại hội có nhiều điểm đặc biệt: Kể từ ngày thành lập (3/2/1930), đây là lần đầu tiên Đảng ta tổ chức Đại hội có đông đủ đại biểu các Đảng bộ được chọn cử từ cơ sở; đây cũng là Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và cho đến nay là Đại hội duy nhất họp ở địa phương ngoài thủ đô Hà Nội. Đại hội họp vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã qua 4 năm đầy khó khăn gian khổ, bắt đầu giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. 

atk7Địa điểm Nhà ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951

atk8Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, tháng 2/1951

IMG 1123 CopyNơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, tháng 2/1951

Rời Kim Bình, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh về huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, đến thăm quan cụm di tích ATK Kim Quan nằm trải dài trên khu rừng Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Kim Quan khoảng 800m và Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào 18km về hướng Bắc. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và một bộ phận của Văn phòng Chính phủ đã ở và làm việc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953- 1954). Để đảm bảo an toàn bí mật cho Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính Phủ, bộ đội công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi, hầm được ốp gỗ 3 mặt, được câu móc với nhau bằng đinh đỉa chắc chắn.

atk1Lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1953 – 1954

atk2Đoàn cán bộ, nhân viên Phòng Khoa học Quân sự - Trường Đại học VHNT Quân đội thăm căn hầm an toàn của Bác Hồ

Hầm an toàn của Bác Hồ được đào sâu vào lòng núi Nà Lơi khoảng 15m. Cạnh hầm là lán ở và làm việc của Bác, căn lán làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc miền núi có hai gian nhỏ từ cầu thang xuống có một đường xuống sông và một đường đến hầm; con đường mòn xuống sông được cuốc thành nhiều bậc để lên xuống được thuận lợi xung quanh có nhiều cây cổ thụ che kín.

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ Chính trị và Hội đồng chính phủ, quyết định những vấn đề quan trọng. Lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

atk3Đoàn cán bộ, nhân viên Phòng Khoa học Quân sự - Trường Đại học VHNT Quân đội thăm căn hầm an toàn của Trung ương Đảng. Hầm an toàn của Trung ương Đảng cách hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 1km. Hầm được đào sâu vào lòng núi 60m. 

atk6Hầm an toàn của Chính phủ thời kỳ 1953 – 1954. Hầm được đào sâu vào lòng núi 40 mét

Trong thời gian ở và làm việc tại Kim Quan, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quân, dân cả nước tập trung đẩy mạnh thi đua chiến đấu, sản xuất, chi viện phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Từ đây, tháng 3/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên đường tham dự hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.  

Di tích ATKKim Quan đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, những quyết định có liên quan đến vận mệnh dân tộc ta. Khu di tích ATK Kim Quan (Yên Sơn) chính là đại bản doanh được xây dựng quy mô nhất của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc.

Tạm biệt ATK Kim Quan, ngược về hướng Bắc tầm 18km, đoàn chúng tôi đặt chân lên Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Dù không phải là lần đầu tiên đến nơi đây, nhưng tất cả chúng tôi đều bồi hồi, xúc động. Bước chân qua 79 bậc thang, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người, lán Nà Nưa hiện ra trước mắt. Dường như hình ảnh của Người vẫn đang hiện hữu nơi đây, trong trái tim của đồng bào và trong trái tim của mỗi chúng tôi. Người là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, phong cách, tư duy để chúng tôi học tập suốt đời.

atk5Lán Nà Nưa, nơi in đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian Người ở và làm việc tại Tân Trào, lãnh đạo cách mạng tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi.

Tại đây, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng, chủ trì Hội nghị toàn quốc của Ðảng và Quốc dân Ðại hội Tân Trào, bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, quyết định Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân, lập ra kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Từ căn lán đơn sơ của khu rừng Tuyên Quang, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn Đảng, toàn dân, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam, đó là chấm dứt thời kỳ nô lệ và bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, tự do. 

atk9

Đoàn cán bộ, nhân viên Phòng Khoa học Quân sự - Trường Đại học VHNT Quân đội thăm Đình Tân Trào, nơi Quốc dân đại hội thông qua chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tháng 8 năm 1945.

 

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành điểm tham quan, về nguồn của mỗi người dân Việt Nam khi đến với chiếc nôi cách mạng Tân Trào, tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi in bóng dáng sâu đậm của vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi chợt nhớ về những câu thơ trong bài “Đi thuyền trên sông Đáy” mà Bác Hồ viết vào tháng 8/1949:

 

“Dòng sông lặng ngắt như tờ, Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo. Bốn bề phong cảnh vắng teo, Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan Lòng riêng riêng những bàn hoàn, Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng. Thuyền về, trời đã rạng đông Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.”

Tạm biệt mảnh đất Tuyên Quang lịch sử linh thiêng, cảm xúc trong mỗi chúng tôi đều đầy đặn, vẹn nguyên, giống như con sông Phó Đáy hàng thập kỷ cứ chung thủy quấn quanh chân núi Nà Lơi. Với chuyến hành quân về nguồn này, chúng tôi thực sự được tận hưởng ngày sinh hoạt văn hóa tinh thần thật ý nghĩa và bổ ích, giúp chúng tôi có thêm nhiều trải nghiệm và có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Cuộc đời có thêm những chuyến đi như vậy thật không có gì  có thể so sánh bằng. Đó là hạnh phúc giản đơn khi chúng ta biết sống với ký ức, biết trân trọng và tự hào về quá khứ oanh liệt của dân tộc. 

Thực hiện: PHƯƠNG HÀ - ĐỨC LỘC

 

 

 

 

 

Tin bài khác