Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Gặp mặt kỷ niệm 50 năm vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”

Admin 24/11/2014
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, ngày 22 tháng 11 năm 2014, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.

 Đến dự buổi gặp mặt có Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam; NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam; đại biểu các cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị; Đảng ủy, Ban Giám hiệu; lãnh đạo, chỉ huy các phòng, khoa, ban của Nhà trường; đặc biệt là các cựu nghệ sĩ tham gia vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.

Vở kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" do lớp biên đạo múa (niên khóa 1959-1961), Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) sáng tác và biểu diễn dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Giáo sư Kim Tế Hoàng - Chuyên gia biên đạo múa Triều Tiên được mời sang giảng dạy. Năm 2000, tác phẩm kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” đã vinh dự là tác phẩm múa đầu tiên được Đảng, Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trong diễn văn tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Nguyễn Học Từ , Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà trường đã ôn lại quá trình xây dựng cũng như những ngày đầu tiên công diễn vở kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh". Sau đợt biểu diễn thành công ở Hà Nội, các nghệ sĩ đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn đi biểu diễn các tỉnh, thành cho đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt đoàn đã đến tuyến lửa Vĩnh Linh  biểu diễn phục vụ các chiến sĩ 12 ngày đêm.  Đầu tháng 5 năm 1964, nhận lời mời của Bộ Văn hóa và Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Tổng cục Chính trị cử đoàn kịch múa “Xô Viết – Nghệ Tĩnh” sang thăm và biểu diễn hữu nghị tại Trung Quốc, được Bác Hồ gửi thư căn dặn, động viên. Thành công và tầm vóc của vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” đã góp phần nâng cao vị thế của ngành nghệ thuật múa Việt Nam và tô thắm thêm truyền thống “Chiến sĩ – Nghệ sĩ đoàn kết, chiến đấu; năng động; sáng tạo; quyết thắng, lập công” của Nhà trường.

Đây cũng là dịp nhằm tri ân những đóng góp to lớn của thế hệ nghệ sĩ đi trước đối với ngành  nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và Quân đội nói riêng. Đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống vẻ vang của Nhà trường qua 59 năm  xây dựng, cống hiến và trưởng thành.

1 copy

Thư Bác Hồ căn dặn các nghệ sĩ tham gia vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” khi Đoàn đi biểu diễn tại Trung Quốc

2 copy

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam và các cựu nghệ sĩ tham gia vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” chụp ảnh lưu niệm với Nhà trường

 QUỲNH MAI

 Ảnh: Tiến Thành

 

Tin bài khác