Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Đường Hồ Chí Minh trên biển – Huyền thoại đi vào sử xanh

Admin 22/10/2021
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nếu như đường Hồ Chí Minh trên bộ được ví là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” thì Đường Hồ Chí Minh trên biển lại gắn liền với hình ảnh những con tàu “không số” đầy bí ẩn giữa đại dương bao la.

“Đoàn tàu không số - không tên

Lời thề cảm tử vang rền núi sông.

Mỗi con người - một chiến công

Máu đào tô thắm cờ hồng bay cao”

Đó là những lời thơ trong bài “Con đường huyền thoại” của tác giả Lê Cao Thịnh vừa hoàn thành dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021). Trong những ngày tháng 10, chúng ta lại cùng nhau ôn lại trang lịch sử hào hùng, anh dũng và vô cùng gian khổ của con đường trên biển mang tên Bác. 60 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về Đường Hồ Chí Minh trên biển luôn là những thước phim lịch sử sống động nhất về tinh thần quả cảm của cán bộ, thủy thủ trên con đường huyền thoại.

Con đường huyền thoại - Con đường vinh quang

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn 125 Hải quân, còn gọi là Đoàn tàu Không số là lực lượng trực tiếp vận chuyển trên con đường biển mang tên Bác, hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Qua 14 năm hoạt động (1961-1975), Đoàn 125 đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Mưu trí dũng cảm, khắc phục khó khăn, vận tải đường biển, chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng”, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã cùng quân dân nơi có tuyến đường vận tải chiến lược trên biển đi qua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

hcm1 copy

Tàu 641 (HQ671) đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển (Ảnh: tư liệu)

Chỉ sau gần một năm nghiên cứu, chuẩn bị, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn đã bí mật xuất phát từ bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) chở hơn 30 tấn vũ khí vào cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Từ thời điểm đó Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông, mở ra dấu mốc mới về con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển đã huy động hàng nghìn lượt tàu thuyền, vận chuyển gần 110 nghìn tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, gần 18 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam; đưa đón nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội vào trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Có được thành tích và chiến công trên, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt  muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh. Nhất là sau sự cố của Tàu C143 ở Vũng Rô (2/1965), con đường vận chuyển bí mật trên biển bị địch phát hiện và dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn, buộc chúng ta phải thay đổi phương thức vận chuyển... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo để Đoàn 125 thay đổi phương thức vận chuyển mới: Cho các tàu xuất phát từ nhiều bến (kể cả ở nước ngoài), đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau, đi vòng ra biển xa thuộc hải phận quốc tế, tàu trả hàng ở nhiều bến mới... Mặc dù địch tập trung mọi phương tiện, trang bị trinh sát hiện đại để ngăn chặn, phong tỏa, trong khi phương tiện vận chuyển của ta có tải trọng khiêm tốn, thô sơ nhưng với bản lĩnh và ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN, Quân giải phóng miền Nam có điều kiện mới để phát triển lớn mạnh; nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn được hình thành. Có vũ khí, Quân giải phóng đã giáng trả đối phương những đòn đích đáng. Những trận đánh địch tiêu biểu ở Ấp Bắc (Mỹ Tho-1/1963), Bình Giã (Bà Rịa 12/1964-1/1965), Ba Gia (Quảng Ngãi 7/1965) mang đậm dấu ấn của sự chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam qua Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã gặp hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, chi viện rất hiệu quả cho các chiến trường, ở những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới. Những lúc địch bao vây bốn phía, cả con tàu là một khối đoàn kết, thống nhất, trong đó Thuyền trưởng và Chính trị viên là những tấm gương kiên trung, mẫu mực nhất. Khi biết không thể thoát khỏi sự truy sát của địch, để giữ bí mật con đường, họ biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch. Đã có những người con ưu tú anh dũng hy sinh cùng con tàu, mãi nằm lại với biển khơi.

Tinh thần quả cảm của cán bộ, thủy thủ trên con đường huyền thoại

Nói tới Đường Hồ Chí Minh trên biển là nói tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số luôn trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quật cường, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ giao phó. Tinh thần quả cảm của cán bộ, thủy thủ trên con đường huyền thoại này là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh quật cường, làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó chính là sức mạnh chính trị tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên Đoàn tàu Không số.

Với sức mạnh chính trị tinh thần đó, lực lượng vận tải biển của Hải quân từ một đơn vị nhỏ đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường Khu 5 khốc liệt, vào tận cửa ngõ Sài Gòn, đến tận cùng đất nước với những con đường dọc ngang trên biển mà 2/3 quãng đường đó nằm trong vùng kiểm soát dày đặc của Mỹ - ngụy. Các cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng mỗi con tàu là một gia đình và mỗi con tàu là một pháo đài trên biển. Trên con đường biển, tình thương yêu gắn bó của thuyền trưởng, chính trị viên, máy trưởng với thủy thủ như anh em ruột thịt trong nhà. Tất cả đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ, sẵn sàng nhận sự hy sinh về mình, dành sự sống cho đồng đội.

hcm2 copy copy copy

Một chiếc tàu Không số của ta bị máy bay địch phát hiện chụp từ trên cao (Ảnh: tư liệu)

Trong tất cả các lần phải hủy tàu khi gặp tình huống đặc biệt hiểm nghèo, không để tàu và vũ khí rơi vào tay giặc thì thuyền trưởng, chính trị viên đều xung phong ở lại tàu điểm hỏa khối thuốc nổ gắn sẵn trên tàu. Hoặc là thuyền trưởng và chính trị viên tự phân công cho nhau, nếu thuyền trưởng ở lại tàu điểm hỏa khối thuốc nổ để hủy tàu thì chính trị viên phải tổ chức cho thương binh và những người còn sống rời tàu vào bờ an toàn và ngược lại. Như vậy, ai cũng thấu đáo trách nhiệm hy sinh về mình, dành sự sống cho đồng đội. Những hành động đó của từng cá nhân, từng con tàu càng làm sáng đẹp thêm sức mạnh chính trị tinh thần của toàn lực lượng làm nhiệm vụ. Dù biết trước tàu sẽ đi vào những nơi ác liệt, vào vùng biển, vùng đất địch đang quản lý, đang giăng sẵn thế trận để vây bắt và tiêu diệt… song các cán bộ, chiến sĩ vẫn cho tàu rời cảng từ miền Bắc ra đi hoàn toàn tự nguyện, tự giác, gạt bỏ tất cả những vấn vương trong tư tưởng, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng kiên định, tinh thần quyết chí lập công, đồng tâm, đồng lòng để điều khiển con tàu vượt qua gian lao, ác liệt đưa vũ khí, hàng hóa tới đích, tới đúng nơi cách mạng miền Nam đang cần.

Kỳ tích anh hùng ở Đường Hồ Chí Minh trên biển đều xuất phát và hun đúc từ yếu tố sức mạnh chính trị tinh thần. Đây là sự thành công đặc biệt xuất sắc của Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người đi, người ở vấn vương

Con đường huyền thoại - con đường vinh quang.

Yêu từng trang sử vẻ vang

Thêm yêu biển đảo mênh mang đẹp giàu.

(Trích bài thơ “Con đường huyền thoại” của Lê Cao Thịnh)

hcm3 copy

Hải trình đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: tư liệu)

Mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là một quyết sách đúng đắn thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, Quân đội và nhân dân ta; là sự kế thừa, phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với thời gian, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích. Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu của con đường huyền thoại này vẫn còn nguyên giá trị cần được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Tuệ Minh

Tài liệu tham khảo:

- Trung tướng Nguyễn Văn Bồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân, “Phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm của Đường Hồ Chí Minh trên biển vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay”, website baohaiquanvietnam.vn

- Hải quân Việt Nam, “Đường Hồ Chí Minh trên biển: Biểu tượng của ý chí quật cường và niềm tin chiến thắng”, website baohaiquanvietnam.vn

- Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, “Tinh thần quả cảm của cán bộ, thủy thủ trên con đường huyền thoại”, website baohaiquanvietnam.vn

Tin bài khác