ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC (Kỳ 2)
Kỳ 2: Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
Trái ngược với những luận điệu sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trên tinh thần tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tự do trong khuôn khổ pháp luật
Đầu tiên cần chỉ rõ: Việc các thế lực thù địch dối trá rao giảng, trơ trẽn hô hào trên không gian mạng về cái gọi là “đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” ở Việt Nam, dựa trên sự thiếu tôn trọng, thậm chí “ngồi sổm” trên pháp luật Việt Nam, là điều vô lý, không thể chấp nhận. Chưa kể, chúng cố tình lợi dụng các quyền này để làm phương hại tới an ninh quốc gia, phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của toàn dân, xúc phạm cá nhân và tổ chức. Đó là điều trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc chung sống hòa bình trong xã hội tiến bộ. Không ai, không ở đâu có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách tuyệt đối, mà các quyền phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Có thể nói rằng, tự do ngôn luận và tự do báo chí là những giá trị lớn lao của xã hội loài người, là kết quả của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người để hoàn thiện cộng đồng, xã hội. Đó là những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và đảm bảo. Bởi chúng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân và cộng đồng, là biểu hiện rõ nét cho quyền bình đẳng, dân chủ, góp phần tác động tích cực thúc đẩy phát triển tiến bộ xã hội.
Trong quá trình phát triển xã hội loài người, đã xuất hiện những vấn đề bất cập liên quan đến lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Kết hợp với vấn đề mâu thuẫn, xung đột lợi ích, chúng đã tạo ra những hành vi phương hại cho người khác và cho xã hội. Biểu hiện là các hành vi như: Vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức; tuyên truyền thù địch, kích động bạo loạn, chiến tranh).
Do đó, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và công bố Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Điều 19 của Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới” [1].
Ảnh minh hoạ (nguồn: VietNam Plus)
Một nguyên tắc chung là khi áp dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Điều này đã được quy định trong Khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” [2].
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”. Đồng thời, Điều 19 của Công ước cũng chỉ rõ: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Như vậy, quyền tự do ngôn luận không phải là tự do tuyệt đối. Khi thực hiện các quyền tự do của cá nhân, con người trong xã hội phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra.
Thực tiễn tại các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay cũng đã minh chứng: Tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà mỗi quốc gia đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân.
Ở Mỹ, mặc dù Quốc hội Mỹ không ban hành Luật định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo tinh thần của Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, song giới hạn của tự do ngôn luận, tự do báo chí được thể hiện chủ yếu qua Tu chính Hiến pháp thứ Năm và các đạo luật Liên bang và tiểu bang, án lệ của Tòa án. Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép tòa án xét xử và trừng phạt khi phát hiện báo chí truyền thông có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc phạm nhà nước, xã hội và cá nhân. Luật pháp tại các bang của Mỹ cho phép việc truy tố đối với tội lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác.
Ở Pháp, các bộ luật chỉ rõ các giới hạn, hình thức xử phạt đối với hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm, làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân. Trong đó, Luật Tự do báo chí quy định việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù. Luật Dân sự ngăn cấm hành vi xâm phạm đời tư; Luật Hình sự cấm xuất bản các tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia. Ở nhiều nước châu Âu, luật pháp cũng quy định nghiêm về hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí này, nhằm chống lại mọi hình thức phát ngôn thù hận, tuyên truyền kích động.
Thành tựu “không thể phủ nhận” của Việt Nam
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng quyền con người, quyền công dân, đặc biệt coi trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chỉ rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản”. Hơn 70 năm qua, Hiến pháp năm 1946 đã trải qua 4 lần sửa đổi cho phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, nhưng quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận” không những không thay đổi, mà còn mở rộng thêm nhiều nội dung quyền tương ứng khác, như tự do tiếp cận thông tin, tự do khiếu nại, tố cáo.
Năm 1992, Việt Nam chính thức tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Từ đó, Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí thông qua các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời có quyền đưa ra các quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận theo công ước của Liên Hợp quốc, phù hợp với điều kiện và luật pháp Việt Nam.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Luật Báo chí hiện nay đã quy định trách nhiệm của Nhà nước “tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đồng thời, chỉ rõ: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng” [3]. Các quy định về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tiếp tục được làm rõ trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2013, Luật An ninh mạng năm 2018 và trong các bộ Luật dân sự và Luật hình sự hiện hành.
Hiện nay, cùng với sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, cũng như đáp ứng các nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, hưởng thụ thông tin mọi lúc mọi nơi của người dân. Năm 2022, Việt Nam hiện có số người dùng Internet xếp thứ 12 thế giới, với 72,1 triệu người (chiếm 73,2% dân số). Tại Việt Nam, người dân dễ dàng tiếp cận với Internet và các phương tiện truyền thông xã hội khác, có thể truy cập vào các trang web, tờ báo trên thế giới, dễ dàng tham gia vào các mạng xã hội toàn cầu như Facebook, Twitter, Youtube, TikTok,…mà không gặp bất cứ hạn chế nào.
Về các phương tiện truyền thông đại chúng, theo thống kê năm 2022, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Hiện có khoảng 41.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Trên đây là những minh chứng rõ nét khẳng định thành tựu to lớn, vững chắc trong việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Những con số và dữ liệu trên đã phản bác lại những luận điệu sai lệch, bóp méo, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Rõ ràng, những chiêu bài rao giảng về “Việt Nam hạn chế quyền tự do báo chí, tự do Internet” hoàn toàn là xuyên tạc, bịa đặt, thể hiện rõ mưu đồ tuyên truyền chống phá thành quả cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; thể hiện mưu đồ, dã tâm của các thế lực thù địch hòng làm mất hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Âm mưu thâm độc đó đã hoàn toàn thất bại, bởi những thành công đáng ghi nhận xuất phát từ đường lối, chính sách phát triển quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Đảng, Nhà nước ta mang lại. Bởi hiện nay, đa số người dân Việt Nam đã và đang được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp, nhân văn từ những đường lối, chính sách phù hợp và tiến bộ trên. Điều đó là không thể phủ nhận./.
Tài liệu trích dẫn:
[1] , [2] Gudmundur Alfredsson, Asbjorn Eide (chủ biên), Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 1948, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.410.
[3] Quốc hội (2016), Luật Báo chí, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr.16.
Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn