ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH VỚI “CHIẾN SỸ TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA"
Hà Nội vào thu, Đại tướng đã trút hơi thở cuối cùng của mình trong niềm tiếc thương của quân và dân cả nước. Đối với lực lượng văn nghệ sĩ quân đội, đặc biệt là những đồng chí đã từng gặp, làm việc và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Phùng Quang Thanh, có lẽ đây chính là quãng thời gian lắng đọng nhất để hồi tưởng, tri ân về một người Thủ trưởng với trái tim rộng mở, luôn coi trọng sự phát triển văn hóa nghệ thuật quân đội. Chúng ta hãy cũng trò chuyện và lắng nghe nhịp đập cảm xúc của những nghệ sĩ đã từng có thời gian được làm việc với Đại tướng Phùng Quang Thanh, để một lần nữa nhắc nhớ, biết ơn công lao của ông đối với Quân đội.
Thiếu tướng, NGƯT, nhạc sĩ Đức Trịnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:
Buồn và thương tiếc Đại tướng Phùng Quang Thanh là cảm giác lúc này luôn thường trực trong tôi. Đối với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại tướng Phùng Quang Thanh là một vị "ân nhân" trong công cuộc xây dựng, phát triển và trưởng thành của Nhà trường. Ông luôn chú trọng đến công tác giáo dục – đào tạo "Chiến sĩ – Nghệ sĩ", tạo nguồn cho một lực lượng nghệ sĩ quân đội giỏi về chuyên môn, hồng về đạo đức cách mạng để phục vụ tốt nhất cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của quân đội. Ở cương vị một người chỉ huy cao nhất của Quân đội, ông có một trí tuệ và tầm nhìn bao quát toàn thể các hoạt động, trong đó văn hóa nghệ thuật là một trong những lĩnh vực Đại tướng Phùng Quang Thanh rất quan tâm.
Đại tá, NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:
Khi nghe tin Đại tướng Phùng Quang Thanh mất, tôi không khỏi bàng hoàng dẫu biết ông đã bị bệnh mấy năm rồi. Tuy không được làm việc dưới quyền ông khi ông là Bộ trưởng nhưng trong tôi có rất nhiều ấn tượng mạnh với Đại tướng, trong đó tôi nhớ nhất là:
Thứ nhất, khi tôi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (1/2017) thì Đại tướng đã nghỉ hưu nhưng Tết năm nào, tôi và anh em Ban Giám hiệu Nhà trường cũng đến thăm, chúc Tết ông cùng gia đình. Ông rất vui và luôn dành thời gian nói chuyện rất lâu, quan tâm hỏi thăm tình hình Nhà trường và đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Đại tướng luôn nhắc nhở rằng: "Các chú động viên anh chị em làm cho tốt, đào tạo ra thật nhiều nghệ sĩ tài năng cho Quân đội và đất nước nhé".
Thứ hai, khi ông là Bộ trưởng, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã tạo điều kiện cho Nhà trường mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, cho phép cử giảng viên, học viên đi đào tạo tại Nga và Trung Quốc - điều mà hơn 20 năm qua Nhà trường mong muốn nhưng chưa thực hiện được. Nhờ sự quan tâm của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, mà trực tiếp là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Quân đội đã có những lớp nghệ sĩ, giảng viên tài năng được đào tạo nước ngoài như: NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Quỳnh Thương, Mỹ Linh, Tố Hoa... (Trung Quốc); NSƯT Thanh Hằng, Phương Mai, Trịnh Phương, Vương Thanh, Bùi Tư Thanh... (Nga).
Thứ ba: Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ Quốc phòng đã mở cho Nhà trường nhiều cơ chế để phát triển như hàng năm được đặc cách tuyển thẳng những em có tài năng, đạt giải các cuộc thi trong nước và quốc tế về đào tạo và phục vụ lâu dài trong quân đội như: Hoàng Nghiệp, YaSuy, Hoàng Hồng Ngọc, Thu Thuỷ, Hồng Duyên, Tố Hoa, Nguyễn Đức Minh Dương, Trương Thùy Dương, Mai Chi....
Thầy và trò Nhà trường ghi nhớ và biết ơn Đại tướng. Những sự quan tâm của ông vừa là tình cảm, vừa mang tính tầm nhìn đã giúp cho Nhà trường cũng như các đơn vị nghệ thuật toàn quân có sự phát triển lớn mạnh như ngày nay.
Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc với Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, năm 2011.
Đại tá, NSND, nhạc sĩ Trần Viết Thân, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 2:
Tôi nhớ vào khoảng thời gian cận kề Tết Nguyên đán năm 2008, tôi cùng một đồng chí nữa đến thăm và chúc Tết Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sự thân mật, cởi mở của đồng chí Bộ trưởng đem lại cho tôi một cảm giác vô cùng gần gũi. Được Đại tướng mời dùng bữa trưa đơn giản chỉ với bánh chưng, khoanh giò, đĩa dưa hành đặc trưng ngày Tết Việt ngay tại hành lang khu làm việc, vừa ăn ông vừa quan tâm hỏi han về tình hình Đoàn Văn công quân khu 2, chăm chú lắng nghe tôi báo cáo thực trạng và những khó khăn. Ông nói sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ tất cả các đoàn trưởng đoàn văn công, nhà hát để nắm bắt một cách đầy đủ nhất tình hình và sẽ có những biện pháp giải quyết kịp thời. Sau đó 2-3 tháng, cuộc họp đó đã được diễn ra tại Phòng họp của cơ quan Bộ Quốc phòng, quy tụ tất cả các đoàn trưởng đoàn văn công, nhà hát trong quân đội. Qua lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng đã nắm bắt được toàn bộ vấn đề, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật quân đội, đánh giá cao vị trí của văn hóa nghệ thuật đối với việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Từ đó, mới xuất hiện cụm từ không thành văn "Binh chủng nghệ thuật" để thấy rõ việc Bộ Quốc phòng coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa nghệ thuật quân đội. Có thể nói, cuộc họp đó là "dấu mốc lịch sử" cho các đơn vị nghệ thuật quân đội trong việc thay đổi lớn mạnh về chất và lượng hoạt động nghệ thuật, khích lệ, động viên anh chị em nghệ sĩ thêm hăng say lao động, cống hiến tài năng.
Nhớ về Đại tướng Phùng Quang Thanh, tôi luôn ấn tượng về một Thủ trưởng giàu tình cảm, chân thành, sâu sắc, chi tiết, cụ thể. Hình ảnh của ông luôn sáng mãi trong trái tim của anh chị em nghệ sĩ chúng tôi.
Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Lan, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng:
Tôi thật may mắn khi thời gian công tác được gặp gỡ và làm việc với Đại tướng Phùng Quang Thanh. Có thể nói, ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về một người chỉ huy cao nhất của Quân đội rất thân mật, cởi mở, biết lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, đơn vị hoạt động. Tôi nhận thấy, ông là một người rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật quân đội và văn nghệ sĩ quân đội. Thời gian trước, thực trạng của các Đoàn văn công trong quân đội gặp nhiều thiếu thốn từ nhân lực, các chế độ cho đến trang thiết bị cần thiết... gây khó khăn lớn đến quá trình phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Thực trạng ấy khiến các đoàn văn công luôn mong chờ một "phép màu" để vực dậy lĩnh vực nghệ thuật quân đội. Quả thật, Đại tướng Phùng Quang Thanh trong muôn vàn công việc lớn của đất nước, của quân đội lại dành thời gian để thấu hiểu với tất cả những khó khăn mà các đoàn văn công đang gặp. Ông đã có những chỉ đạo sát với thực tiễn của đơn vị, chỉ đạo có tính tầm xa chiến lược như về đào tạo con người hoạt động nghệ thuật, các chế độ đặc thù cho diễn viên, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, thiết thực như hệ thống xe sân khấu biểu diễn, thiết bị âm thanh, ánh sáng... và đặc biệt là có những động viên, khuyến khích kịp thời đối với nghệ sĩ quân đội.
Ông chú trọng việc "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", trân trọng những nghệ sĩ tài năng và dành cho họ những ưu tiên đặc biệt. Ví dụ như các nghệ sĩ thi tài năng giành giải cao hoặc đạt các danh hiệu NSND, NSƯT... sẽ được nâng lương trước niên hạn, hoặc thăng quân hàm, hoặc khen thưởng... khiến cho các nghệ sĩ vô cùng cảm kích trước sự quan tâm, đánh giá, nhìn nhận của Bộ trưởng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có thể nói, với tôi, Đại tướng Phùng Quang Thanh là người đã thổi một luồng khí mạnh mẽ, đem lại sức sống mới cho hoạt động của các đoàn văn công quân đội. Ngay lúc này, cảm xúc về ông thật khó có thể diễn tả hết bằng lời. Dâng nén tâm nhang để một lần nữa nhớ về công lao của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã cống hiến cho đất nước, cho Quân đội và cho các đoàn văn công quân đội nói riêng. Ông là động lực để nghệ sĩ chúng tôi luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt vai trò là những nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Quân đội.
Đại tá Nguyễn Minh Sơn, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 5:
Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nước ta, nghe tin Đại tướng Phùng Quang Thanh qua đời khiến tôi thực sự bất ngờ, bối rối, buồn và tiếc thương cho một vị tướng. Kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng bỗng chốc ùa về trong tôi. Với tôi, Đại tướng là một Thủ trưởng luôn có sự quan tâm đặc biệt đến văn nghệ sĩ quân đội, nhờ ông mà các đơn vị nghệ thuật quân đội đã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về mọi mặt, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật quân đội đạt được nhiều kết quả to lớn. Năm 2008, tôi được tham gia một cuộc họp đặc biệt bao gồm tất cả các đoàn trưởng đoàn văn công, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật trong quân đội vì đó là lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Quang Thanh họp với văn nghệ sĩ. Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã lắng nghe ý kiến, thực trạng và đề xuất của các lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, và có thể nói, sau cuộc họp này đã có sự thay đổi lớn về mọi mặt tại các đơn vị như tổ chức biên chế, trần quân hàm, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, phương tiện khí tài... mang lại sức sống mới, động viên các đơn vị nghệ thuật có động lực tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đối với riêng tôi, còn có một kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Phùng Quang Thanh, khiến tôi thêm cảm phục về ông. Cuộc họp hôm ấy, Đại tướng ngạc nhiên khi thấy trong số tất cả thành viên cuộc họp, duy nhất chỉ có tôi lúc bấy giờ đeo quân hàm Trung tá QNCN, mà lẽ ra với chức vụ là Đoàn trưởng theo tổ chức biên chế phải đeo hàm sĩ quan. Ông đã nói rằng: "Người có tài thì Quân đội phải tìm mọi cách để giữ, tạo điều kiện cho họ làm việc, cống hiến cho Quân đội, đất nước". Sau cuộc họp đó, một thời gian sau tôi được phong hàm Thượng tá sĩ quan. Chúng tôi luôn nhớ mãi về một vị Bộ trưởng có trái tim ấm áp và phong cách làm việc sâu sát, tỉ mỉ của ông đến từng nghệ sĩ quân đội.
Thượng tá, nhạc sĩ, NSƯT Phạm Anh Thông, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân:
Khoảng thời gian 2008-2009, tôi đang giữ chức vụ là Đội trưởng Đội Nhạc của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân, nên chưa có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với Đại tướng Phùng Quang Thanh. Nhắc về sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, điều rõ nhất mà tất cả cán bộ nghệ sĩ, diễn viên trong đơn vị tôi nói riêng và các đoàn văn công, nhà hát quân đội nói chung là nhìn thấy rõ rệt sự thay đổi lớn về chế độ chính sách, quân hàm, chế độ độc hại, thanh sắc, trang thiết bị vật tư gồm: xe ô tô, âm thanh, ánh sáng đc đầu tư đồng bộ, nhiều trụ sở nơi làm việc các Đoàn đc đầu tư xây mới, khang trang, đáp ứng đc yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng học viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về các Đoàn dồi dào, đủ các chuyên ngành ca, múa, nhạc, âm thanh, ánh sáng. Không thể kể hết ra đc nhưng cảm nghĩ của anh chị em cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân, nhưng một điểm chung lớn nhất là tất cả mọi người đều trân trọng và biết ơn những chỉ đạo, quyết sách kịp thời, sát thực tiễn của Đại tướng Phùng Quang Thanh, khuyến khích toàn thể các nghệ sĩ, diễn viên yên tâm công tác, cống hiến cho nghệ thuật, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, trên cương vị là người lãnh đạo Đoàn, tôi càng thấm thía sự lắng nghe, quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ quân đội của Đại tướng. Đồng chí Bộ trưởng đã tạo một nền tảng vững chắc để thế hệ lãnh đạo, chỉ huy tiếp bước theo sau như chúng tôi thuận lợi trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Vẫn biết đó là quy luật, nhưng bất cứ sự chia tay nào cũng để lại sự luyến lưu, nhức nhối cho người ở lại. Nhớ về Đại tướng Phùng Quang Thanh, anh chị em nghệ sĩ quân đội nguyện tiếp tục "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", không ngừng nỗ lực phấn đầu, rèn luyện để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, văn hóa nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam phát triển vững chắc, thể hiện tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng./.
Tin Phương Hà