Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Có một ngày hội như thế...

Admin 16/05/2014
Đến Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật những ngày này, thấy rợp biểu ngữ, pano. Đặc biệt là không khí hồ hởi, khẩn trương, là ánh mắt lấp lánh niềm vui và ẩn chứa khát vọng cống hiến...Hỏi ra mới biết đó là những hoạt động hưởng ứng ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5).

Trước thềm ngày hội...

Tháng 5, tin vui dồn dập ùa về, như món quà báo công, dâng Bác. Từ xứ sở bạch dương xa xôi, niềm vui vỡ òa khi đại diện cho Việt Nam, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hằng (giảng viên khoa Múa Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hiện đang theo học tại Cộng hòa Liên bang Nga) đã kiên cường vượt lên 700 thí sinh của 25 nước tham dự để đoạt hai giải thưởng cao nhất trong cuộc thi múa quốc tế lần thứ X "Riga Spring 2014" được tổ chức tại thành phố Riga-Latvia: Huy chương vàng biên đạo múa chuyên nghiệp và giải đặc biệt dành cho biên đạo múa có tiết mục xuất sắc nhất. Bổ sung thêm "bộ sưu tập" ngôi vị quán quân trong các cuộc thi tầm cỡ về thanh nhạc, Trần Nhật Thủy-học viên khoa Sư phạm Nhạc họa Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã vinh dự nhận giải nhất trong cuộc thi Việt Nam Idol. Với giọng hát tinh tế, truyền cảm, dịu dàng tha thiết mà không kém phần mãnh liệt, Nhật Thủy đã thật sâu sắc khi lựa chọn ca khúc có giai điệu mượt mà, lắng sâu, ca từ đầy ý nghĩa để dự thi trong đêm chung kết, hoàn toàn chinh phục hội đồng giám khảo và người xem. Dường như khi hát, Thủy nói hộ tấm lòng, tình cảm tin yêu của đất liền đối với các chiến sĩ đang ngày đêm kiên cường bảo vệ từng mét nước, từng tấc đất, mỗi con sóng nơi Hoàng sa, Trường Sa thân yêu.

Tưng bừng nhất là hoạt động hưởng ứng ngày hội khoa học và công nghệ Việt Nam được tổ chức chiều ngày 15 tháng 5. Ba tập thể, ba cá nhân điển hình xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học 5 năm qua được tôn vinh, biểu dương khen thưởng, có thể xem như "chiến công" của "mặt trận phía sau" cùng "chia lửa" với các chiến sĩ, lực lượng kiểm ngư đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Góc nhìn khoa học...

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ  tâm huyết với nghề, trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhà giáo, nhất là những người làm công tác giáo dục-đào tạo chuyên ngành nghệ thuật luôn đòi hỏi sự tư duy sáng tạo thì nghiên cứu khoa học, đam mê nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện để hiệu quả giảng dạy tốt là yêu cầu thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời làm nghề dạy học. Một bài giảng hay, một tiết thực hành bài tập hiệu quả, một tiết mục biểu diễn trên sân khấu sinh động, hấp dẫn...là kết quả của thái độ hoạt động nghiên cứu nghiêm túc và công phu. Qua thực tiễn giảng dạy thường hé lộ những vấn đề, đề tài mới thú vị, đánh thức và phát triển thêm năng lực nghiên cứu của người thầy. Nghiên cứu khoa học là để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao cho quân đội và xã hội, mang lại uy tín, vị thế cho nhà giáo, nhà khoa học, cho Nhà trường. Do vậy, giảng viên trẻ ở trường đại học cần đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cao hơn so với nhà giáo ở các bậc học khác. Không chỉ do môi trường hay đối tượng người học mà còn do chính yêu cầu tự thân của người giảng viên-có khả năng độc lập nghiên cứu và ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu của khoa học, công nghệ vào thực tiễn.

Vĩ thanh...

Thực tiễn công tác nghiên cứu khoa học trong 5 năm qua đã để lại những bài học kinh nghiệm quý đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong hoạt đông khoa học, công nghệ của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:

1. Quản lí chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bám sát chỉ thị, hướng dẫn của Cục Khoa học Quân sự/Bộ Quốc phòng, cơ quan Tổng cục Chính trị, Cục Nhà trường/Bộ tổng Tham mưu các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

2. Có chủ trương đúng đắn, kịp thời chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về tính mới, tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giáo dục-đào tạo của Nhà trường.

3. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên Nhà trường đặc biệt là giảng viên trẻ về tầm quan trọng và mối quan hệ gắn kết, bổ trợ giữa nghiên cứu khoa học với chất lượng giáo dục-đào tạo. Tăng cường tự học, tự bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ, phương pháp nghiên cứu cho lực lượng trực tiếp quản lí hoạt động khoa học, công nghệ.

4. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ của Nhà trường trong thời gian tới tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, Bám sát yêu cầu nhiệm vụ của "đội quân công tác", sự chỉ đạo của trên để xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, hoạt động công nghệ ngắn hạn và dài hạn phù hợp, sát với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường và thường xuyên giáo dục nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên về vị trí, vai trò và trách nhiệm nghiên cứu khoa học, thực hành ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo, coi đó là vấn đề sống còn của một trường đại học. Thực hiện nghiêm Luật sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong sáng tác, biểu diễn tác phẩm nghệ thuật. Đẩy mạnh đổi mới công tác tổ chức, quản lý khoa học và công nghệ. Có chính sách khuyến khích, động viên nghiên cứu đối với những đề tài, sáng kiến có ý tưởng mới, khả thi.

Thứ ba, uu tiên nghiên cứu cho những đề tài mục tiêu để phục vụ công tác giảng dạy học tập, thực hành biểu diễn và hoạt động thực tiễn văn hóa nghệ thuật tại đơn vị. Tăng cường hoạt động khoa học, công nghệ đặc biệt là sự tham gia nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên. Tổ chức, tham gia sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc nhằm góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn theo từng giai đoạn, từng lộ trình, có đánh giá rút kinh nghiệm. Tổ chức cho cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ quản lí khoa học, công nghệ về các đơn vị, các nhà văn hóa, câu lạc bộ trong và ngoài quân đội để thâm nhập, khảo sát thực tiễn, nắm bắt nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân từ đó làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, tạo ra môi trường, không gian nghiên cứu tốt.

Con đường chinh phục đỉnh Olimpia vinh quang nhưng cũng đầy gian nan, thử thách. Tình yêu nghề, khát vọng cống hiến đã và đangtiếp sức cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tự tin, vững bước trên con đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ.

QUỲNH HOA

Tin bài khác