Chương trình thi Thực hành biểu diễn của khoa Thanh nhạc
Tối ngày 29/6/2019, Chương trình thi hát nhóm của lớp Trung cấp Thanh nhạc K37; Giảng viên hướng dẫn: Thúy Nội, Ngô Đức, Phương Oanh, NSƯT Hồng Hạnh; Chương trình "Câu chuyện âm nhạc: Bản tình ca người lính" của lớp Đại học Thanh nhạc K7; Chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng Thanh nhạc: NSƯT Hà Thủy; Đạo diễn âm nhạc: nhạc sĩ An Hiếu; Biên đạo: Hải Trọng, Thái Sơn.
Tối ngày 30/6/2018 diễn ra chương trình biểu diễn thực nghiệm vở nhạc kịch "Lá đỏ"; Tác giả: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Mạnh Chung; Biên đạo: NSND Thu Hà; Biểu diễn: lớp Trung cấp Thanh nhạc K36, Đại học Thanh nhạc K8; Dàn dựng thanh nhạc: NSƯT Mạnh Chung, NSƯT Thăng Long, Xuân Hảo; Pianist: ThS Trần Thương Hà. Điểm mới của chương trình thi Thực hành biểu diễn của khoa Thanh nhạc năm nay là chuyển từ thi đơn lẻ, cá nhân sang thi tập thể; từ thể hiện các trích đoạn, tác phẩm quy mô nhỏ sang dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm quy mô lớn. Qua đó, tạo cơ hội cho HV, SV có thêm kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tập thể, vận dụng tối đa những kiến thức đã được học để chinh phục những tác phẩm tầm cỡ, làm chủ sân khấu lớn.
Trong chương trình thi tối ngày 29/6/2019 của hai lớp Trung cấp Thanh nhạc K37 và Đại học Thanh nhạc K7 đã có nhiều phần biểu diễn rất ấn tượng. Đối với phần thi hát nhóm của lớp Trung cấp Thanh nhạc K37, HV, SV thể hiện tốt kỹ năng hát nhóm, đặc biệt là hát bè chuẩn về cao độ, nhịp phách, biết tương tác, hỗ trợ, lắng nghe nhau; đồng thời, các em còn thể hiện khả năng vũ đạo khá tốt góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn cho các tiết mục biểu diễn; Về trang phục, đạo cụ, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo sân khấu bắt đầu biết chú trọng khai thác tạo hiệu quả tốt. Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn ở ba dòng nhạc mà Khoa Thanh nhạc vẫn giảng dạy trong chương trình đào tạo là Thính phòng cổ điển, Dân gian và nhạc Nhẹ. Tuy nhiên, các phần thi không bị bó hẹp về hình thức biểu diễn, phong cách thể hiện như trước đây mà có sự đầu tư, sáng tạo trong cách hát, phối khí âm nhạc, mashup các ca khúc lại hoặc hát dân ca với phong cách trẻ trung, hiện đại... Tiêu biểu như các tiết mục: Tình Bác sáng đời ta, Tổ Quốc trong tim, Guốc mộc, Lý kéo chài... Phần thi của lớp Đại học Thanh nhạc K7 lại là những câu chuyện, hình ảnh rất dung dị, đời thường về người lính. Các ca khúc được sắp xếp thành một mạch xuyên suốt phần biểu diễn, mỗi tác phẩm phản ánh một góc cạnh trong cuộc sống, chiến đấu của người lính ngoài chiến trường như: Thể dục buổi sáng, Thư nhà, Lời yêu xa, Khúc ca người lính... HV, SV đã thể hiện tốt các ca khúc, phần biểu diễn sinh động, sáng tạo, thể hiện ró tính chất hồn nhiên, trẻ trung, đầy nhiệt huyết, những phẩm chất tốt đẹp của người lính.
Trong chương trình thi tối ngày 30/6/2019 là biểu diễn vở nhạc kịch; "Lá đỏ". Đây là một tác phẩm công phu, tâm huyết, đầy trí tuệ. Bằng nghệ thuật ca, múa, nhạc, vở nhạc kịch "Lá đỏ" ca ngợi về chiến công của nam, nữ thanh niên xung phong, bộ đội, công binh, ca ngợi tình yêu trong sáng của lứa tuổi hai mươi, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đây là tác phẩm thuộc thể loại sân khấu âm nhạc kinh điển; lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ (Nhạc: Hoàng Hiệp, Thơ: Nguyễn Đình Thi), Nguyễn Thị Hồng Ngát đã viết kịch bản thơ "Lá đỏ", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đảm nhiệm phần âm nhạc. Vở nhạc kịch đã được các nghệ sĩ của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa...
Năm 2018, Khoa Thanh nhạc đã tổ chức thử nghiệm hình thức thi này, tuy nhiên chỉ thể hiện một trích đoạn nhỏ trong vở nhạc kịch "Lá đỏ". Kết quả nhận được sự đánh giá tích cực từ phía Nhà trường và HV, SV. Tiếp bước thành công ban đầu, năm nay, Khoa Thanh nhạc đã biểu diễn trọn vẹn vở nhạc kịch "Lá đỏ". Vở nhạc kịch xoay quanh câu chuyện bi tráng của tám nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Trong một trận đánh, cứu hàng, tránh bom, họ đã bị vùi lấp trong hang và hy sinh. Vở nhạc kịch đã tái hiện những cảnh nam nữ thanh niên xung phong gặp gỡ giữa núi rừng Trường Sơn. Họ cùng nhau hát vang những bài ca thể hiện sự hồn nhiên, lạc quan, trong sáng như: tốp nữ hát về tuổi xuân, tốp nam nữ hát "Hò đắp đường", tốp nữ hát về chiếc lá đỏ... Trong vở nhạc kịch "Lá đỏ", có đủ các hình thức thể hiện như hợp xướng, tốp ca, Aria. Có thể nói, đây là một vở nhạc kịch rất khó thể hiện cả về nội dung, ý nghĩa, kỹ thuật Thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, nỗ lực của cả thầy và trò, HV, đã mang đến cho khán giả một hình ảnh, không khí tươi trẻ, sôi nổi, đầy nhiệt huyết của những cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội dũng cảm, gan lì trong chiến đấu, nhưng lại rụt rè, e thẹn trước sự mạnh dạn, hài ước của các cô gái giữa không gian núi rừng Trường Sơn. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, các nhân vật của vở nhạc kịch do HV, SV Nhà trường đảm nhiệm hiện lên với khí phách dũng cảm, tâm hồn trong sáng, cao đẹp, đằm thắm yêu thương. Các em đã hát tốt các ca khúc trong trích đoạn của vở nhạc kịch với kỹ thuật Thanh nhạc vững vàng, giọng hát có nội lực, giàu sức biểu cảm. Đặc biệt, HV, SV đã thể hiện khả năng biểu diễn tự tin, sáng tạo, hóa thân vào các nhân vật một cách chân thực, tạo nên không khí sinh động. Các em phần nào đã chuyển tải được cái hồn của tác phẩm vào từng vai diễn, từng cảnh, từng hành động qua giọng hát giàu sức truyền cảm của mình.
Phần thi Thực hành biểu diễn có vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo HV, SV chuyên ngành Thanh nhạc của Nhà trường. Hoạt động này có ý nghĩa góp phần nâng cao khả năng biểu diễn cho HV, SV. Các em được rèn luyện kỹ năng biểu diễn ngày từ khi học tập trong Nhà trường. Từ đó, sau khi ra trường, HV, SV có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc của các đơn vị hoạt động nghệ thuật. Trên cơ sở thành công bước đầu của chương trình biểu diễn thực nghiệm, lãnh đạo Nhà trường tiếp tục yêu cầu khoa Thanh nhạc nghiên cứu, đẩy mạnh hơn các hình thức thực hành biểu diễn trong đó có cả Nhạc kịch, nhạc Thính phòng cổ điển, dòng nhạc Dân gian và nhạc Nhẹ. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, gắn với chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, đó là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật mà xã hội và quân đội cần.
Một số hình ảnh trong chương trình thi Thực hành biểu diễn:
Tin: Duy ThịnhẢnh: Đức Lộc, Tôn Tùng