Chiến thắng 30/4/1975 – mốc son chói lọi của dân tộc
Mốc son chói lọi của dân tộc
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trong công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), chúng ta cùng nhau hướng về lịch sử hào hùng của dân tộc để một lần nữa thêm tự hào, hãnh diện là con Lạc cháu Hồng và dành sự tri ân sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ đã dành cả thanh xuân để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh "Cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: "Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam" và đã đưa ra quyết định: "Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa", đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.
Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức Tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thắng lợi của quân và dân ta còn là chiến thắng tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, là đòn bẩy thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập (ảnh: Tư liệu)
Thành phố Hồ Chí Minh – ngày hội non sông thống nhất
UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức Ngày hội "Non sông thống nhất", kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2022). Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật từ 21 giờ đến 21 giờ 15′ ngày 30/4/2022. Địa điểm bắn pháo hoa gồm khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Ngoài bắn pháo hoa, TP.HCM cũng có các hoạt động khác trong Ngày hội "Non sông thống nhất" như Triển lãm kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và 136 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2022) do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện từ ngày 27/4 - 7/5; Lễ viếng Nghĩa trang TP.HCM (29/4); Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng (29/4).
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao như chương trình biểu diễn nghệ thuật; Giải Việt dã truyền thống 30/4 lần thứ 46 vô địch TP.HCM mở rộng năm 2022.
Hà Nội hân hoan kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại của dân tộc
Tại Hà Nội, nhiều hoạt động có ý nghĩa được tổ chức để kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Gần 100 bức tranh cổ động sáng tác trong giai đoạn năm 1975 - 1995, giới thiệu tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (TP. Hà Nội) tái hiện một thời kỳ cách mạng, khi các tầng lớp nhân dân dưới lá cờ Đảng, sôi nổi thi đua thực hiện các phong trào lao động, sản xuất, dựng xây đất nước.
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ sẽ giới thiệu bộ ảnh tư liệu chủ đề "Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam". Triển lãm trưng bày 60 bức ảnh chụp tại Việt Nam và về người Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX (khoảng những năm 1870 - 1899). Triển lãm ảnh diễn ra từ ngày 22/4 – 20/5.
Tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm "Đào Xá – giữ hồn thanh âm Việt" giới thiệu một số sản phẩm nhạc cụ truyền thống làng nghề Đào Xá - một phần di sản không thể tách rời với "Hà Nội 36 phố phường".
Tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm còn giới thiệu không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp. Bằng một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh được bố trí theo phương pháp sắp đặt, không gian trưng bày sẽ gợi nhắc người xem về một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng.
Tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, số 22 phố Hàng Buồm sẽ diễn ra trưng bày tư liệu và hiện vật "Ký ức 22 Hàng Buồm" và "Ký ức sông Tô". Phố Hàng Buồm xưa là một trong những con phố tiêu biểu nhất cho một thành phố nằm bên sông, chuyên bán những vật tư liên quan đến thuyền bè. Trưng bày sẽ diễn ra từ 9 giờ ngày 29/4.
Tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (Đền Quan Đế), số 28 phố Hàng Buồm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch của tỉnh Phú Yên giới thiệu tới du khách về nghề đan lát truyền thống Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.
Tại khu vực vỉa hè phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (đối diện đền thờ vua Lê) sẽ diễn ra triển lãm ảnh chủ đề "Việt Nam – Một dải yêu thương" của nhóm tác giả 3G Cộng (Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Hải, Nguyễn Tấn Tuấn, Đoàn Bắc, Lê Bích).
Phương Hà (TH)Nguồn thông tin tham khảo:Hanoimoi.com.vnTienphong.vnDangcongsan.vn