Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Chế độ ăn uống lành mạnh trong mùa hè

Admin 08/07/2020
Mùa hè thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể bức bối, khó chịu, mệt mỏi. Trong điều kiện thời tiết như vậy mọi người cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh để đảm bảo sức khỏe, nhất là đối học viên, sinh viên đang trong thời kì thi cử căng thẳng. Vậy, thế nào là một chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo sức khỏe trong thời kỳ nắng nóng cao điểm này?

1. Cần bù đủ lượng nước cho cơ thể

+ Ngày hè, hoạt động  dưới cái nắng gần 40 khiến lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” qua tuyến mồ hôi và hơi thở, kèm theo nước “bốc hơi” từ trong cơ thể ra ngoài là một lượng khá lớn gồm muối, đường, khoáng chất… gây tình trạng mệt mỏi cho cơ thể. Để chống lại tình trạng mất nước này, cần phải bổ sung thêm nước cho cơ thể phù hợp. Tuy nhiên, không phải cứ uống càng nhiều nước càng tốt bởi uống nước quá nhiều sẽ gây quá tải cho thận

+ Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức khoảng 1,5 đến gần 2,0 lít/ngày. Ngoài nước đun sôi để nguội, nước khoáng, có thể uống thêm nước ép hoa quả hay rau củ, nước chè xanh, nước vối, nước đỗ đen rang... nhằm thanh nhiệt, giải độc rất có lợi với cơ thể. Lưu ý khi uống nước cần uống chậm rãi, nhằm tác dụng “đánh thức” bộ máy tiêu hoá và tránh khả năng bị chướng bụng, đầy hơi, đồng thời khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh, vì như vậy sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể, làm chậm lại quá trình trao đổi chất, và dễ gây viêm họng.

2. Cần ăn đúng và đủ

* Ăn chín uống sôi, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

* Ăn đủ dinh dưỡng và cân bằng 4 nhóm thực phẩm: glucid, protein, lipid, vitamin và các chất khoáng:

- Glucid (chất đường bột): Có trong gạo, bánh mỳ, bún… Tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp. Tuy nhiên mùa hè không cần thiết phải ăn quá nhiều mà tùy theo nhu cầu, thể trạng của từng người mà duy trì lượng ăn đường bột cho phù hợp

- Protein (chất đạm): Có trong thịt, cá, trứng, các loại đậu... Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi nên không có cảm giác muốn ăn các loại thịt. Tuy nhiên, protein vẫn cần được bảo đảm trong chế độ ăn hằng ngày dù là đạm động vật hay đạm thực vật vì chất đạm rất cần để duy trì cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn. Theo tổ chức Y tế Thế Giới, lượng đạm trung bình của người trưởng thành với đàn ông là 56 gam/ ngày và phụ nữ là 46 gam/ngày. Đối với người đang muốn giảm hoặc giữ cân thì việc ăn phối hợp các loại protein nghèo như trong ngũ cốc, các loại rau củ có thể hỗ trợ cho cơ thể vừa giúp không tăng cân, lại khiến dạ dày không bị cảm giác đói.

- Lipid (chất béo): Được cung cấp cả ở động vật lẫn thực vật. Lipid có nguồn gốc động vật gọi là mỡ, có nguồn gốc thực vật gọi là dầu. Nhu cầu chất béo còn phụ thuộc vào tuổi và tính chất lao động. Tuy nhiên vào mùa hè, đặc biệt những ngày nhiệt độ cao nên hạn chế đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, giảm chất béo, tăng lượng rau củ.

- Vitamin và các chất khoáng (nhóm rau củ, trái cây): Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh là nguồn thực phẩm quý giá, cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, canxi, sắt… giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, góp phần làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh rau xanh thì bổ sung nhiều hoa quả cũng là cách giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Trong mùa này, nên ăn các loại hoa quả giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, dưa hấu… Các loại quả nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, có tính nóng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn.

Sưu tầm và tổng hợp: Bác sĩ Hy Ngọc Diệp

Tin bài khác