Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Cầu truyền hình “Hà Nội-Huế-Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son”

Admin 13/04/2015
Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), kỷ niệm 55 năm Lễ kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội-Huế-Sài Gòn, tối 11/4, Chương trình cầu truyền hình đặc biệt “Hà Nội-Huế-Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế thực hiện, đã được tổ chức tại 3 điểm cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Cột cờ Hà Nội, Quảng trường Ngọ Môn (Huế) và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là một trong những sự kiện đặc biệt nhằm ôn lại chặng đường đã qua giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam, tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Năm 1960, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Lễ kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội-Huế-Sài Gòn, nhân dân Huế đã tặng nhân dân Hà Nội, nhân dân Sài Gòn bức trướng thêu “Hà Nội-Huế-Sài Gòn - Là cây một cội, là con một nhà” thể hiện cho ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Với tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn ruột thịt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong đó đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, tiếp tục khẳng định khát vọng chung của cả dân tộc về sự thống nhất, hòa bình, tự do, độc lập.

Chương trình đã tái hiện nhiều sự kiện lịch sử, những dấu ấn không thể nào quên trong ký ức tranh đấu gìn giữ chủ quyền của dân tộc.Đặc biệt, khán giả cả 3 miền đất nước đã có dịp nghe lại những câu chuyện lịch sử sống động trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước qua lời kể của các nhân chứng lịch sử. Góp phần làm nên thành công tại đầu cầu Hà Nội, các nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã biểu diễn nhiều tiết mục ca ngợi tình cảm quê hương; sự đấu tranh vượt qua gian khổ, quyết tâm giành độc lập của nhiều thế hệ cha ông đi trước như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách), hoạt cảnh hát múa “Đường cày Ba đảm đang, Hạt gạo làng ta, Vàm cỏ Đông, Hai chị em” (Trương Quang Lục), múa “Hát cho dân tôi nghe” (Tôn Thất Lập), hoạt cảnh “Năm cánh quân, Tiến về Sài Gòn”, “Ngày thống nhất Bác đi thăm” (Phạm Tuyên)…

Phương Hà

Ảnh: Tiến Thành

Tin bài khác