Bệnh Đậu Mùa Khỉ và những điều cần biết
I. Nguồn bệnh: Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Nguồn bệnh thứ hai là từ người đang mắc bệnh trong thời kỳ lây truyền
II. Đường lây:
- Từ động vật sang người: Thông qua các hoạt động giết mổ, ăn thịt động vật có chứa vi rút hay các sản phẩm khác của động vật nhiễm bệnh
- Từ người sang người: Qua tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể; giọt bắn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi.
III. Triệu chứng bệnh:
- Biểu hiện bệnh khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, ớn lạnh, phát ban ở các bộ phận. Gồm có 4 giai đoạn sau:
+ Giai đoạn ủ bệnh: Trung bình từ 6-13 ngày kể từ khi nhiễm vi rút, giai đoạn này người nhiễm không có khả năng lây bệnh cũng như triệu chứng lâm sàng
+ Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1-5 ngày với sự xuất hiện của triệu chứng đầu tiên sốt, nổi hạch, mệt mỏi, đau rát họng, đau mỏi cơ khớp, giai đoạn này bắt đầu có khả năng lây bệnh
+ Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày, gặp nhiều ở mặt, lòng bàn tay chân, cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục… Giai đoạn này có thể gặp các biến chứng nặng hơn dẫn đến tử vong
+ Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi khỏi.
IV. Các biện pháp phòng tránh
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người nghi hoặc mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay các dung dịch sát khuẩn tay ngay sau khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường vận động thể thao, nâng cao sức khỏe.
- Khi có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh hay khi đến vùng đang có dịch trở về cần chủ động khai báo với Quân y nhà trường để được tư vấn, theo dõi kịp thời, đồng thời tự chủ động cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác.
Tổng hợp và sưu tầm: BS. Hy Ngọc Diệp