Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Trường Đại học văn hoá
nghệ thuật quân đội

Bệnh bạch hầu và những điều cần biết

Admin 17/07/2020
Theo báo cáo của Bộ Y tế từ đầu tháng 6/2020 đến nay trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 63 trường hợp mặc bệnh bạch hầu trong đó có 03 trường hợp tử vong. Dự báo bệnh bạch hầu có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước; số ca mắc ngày càng cao. Trong Quân đội đã ghi nhận có 01 trường hợp mắc bạch hầu, là học viên của Trường Sỹ quan Kỹ thuật quân sự Vinhempic, tại Tp. Hồ Chí Minh. Bệnh Bạch hầu là gì?

- Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

- Đường lây truyền

Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật có nhiễm trực khuẩn Bạch hầu, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 14 ngày nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

- Triệu chứng và biến chứng

+ Bạch hầu thể họng: Bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen, dai, dính, dễ chảy máu. Trường hợp bệnh nặng có thể gây sưng cổ và làm hẹp đường thở.

+ Bạch hầu các vị trí khác: Vi khuẩn bạch hầu có thể gây lở loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

+ Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh có thể diễn biến trầm trọng khiến người bệnh tử vong.

- Cách phòng bệnh

+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

+ Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng ở nơi làm việc cũng như khu nhà ở.

+ Cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Khi bản thân và người nhà xuất hiện các triệu chứng của bệnh, không nên tự ý dùng thuốc mà nhanh chóng báo ngay cho Quân y nhà trường hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tổng hợp và sưu tầm: Y sĩ Phan Thị Thắm

Tin bài khác