Bế mạc trại viết Văn toàn quân năm 2021
Phát biểu bế mạc, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong đánh giá cao chất lượng các tác phẩm sáng tác trong dịp này; nhiều tác phẩm ghi lại những cảm xúc chân thực, nghĩa cử cao đẹp trong phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời cổ vũ, động viên các lực lượng tuyến đầu. Thiết tướng nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh sáng tác văn học, phát huy giá trị của văn học trong quân đội là hết sức quan trọng, bởi văn học chính là nơi lưu trữ giá trị văn hóa dân tộc, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với đời sống, góp phần hun đúc nuôi dưỡng tâm hồn, tạo ra cốt cách, bản sắc và phẩm giá con người Việt Nam.
Sau 20 ngày tổ chức trại, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, nỗ lực sáng tạo, các trại viên đã hoàn thành được 150 tác phẩm gồm 90 bút ký chân dung và 60 truyện kỷ niệm sâu sắc. Hầu hết các tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, gương người tốt, việc tốt về công tác phòng, chống dịch của đơn vị mình. Trong số tác phẩm trên, 100% tác phẩm được nghiệm thu đạt và 32% tác phẩm đạt khá. Có thể kể đến các tác phẩm “Cha tôi-người đồng chí vĩ đại” của Đặng Thị Huyền; “Theo dấu chân cha” của Nguyễn Thị Thúy Hà; “Pháo đài 513-Những ngày thương nhớ” của Đoàn Hữu Hiệp; “Nội tôi” của Đỗ Ngọc Thái; “Sau vô lăng chiếc xe cứu thương” của Trần Thị Yến…
Trại viết lần này quy tụ được các trại viên trong toàn quân ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Thông qua hoạt động này, các trại viên được cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, học hỏi kỹ năng sáng tác, trau dồi vốn sống, nâng cao chất lượng tác phẩm, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn học cách mạng Việt Nam nói chung, văn học về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng.
Văn nghệ chào mừng
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị phát biểu tại Lễ bế mạc.
Ban Tổ chức và các trại viên tại Lễ bế mạc
Tin, ảnh: Phạm Công Thành