Báo cáo tốt nghiệp các tác phẩm khí nhạc lớp Đại học Sáng tác âm nhạc K4, hệ chính quy (khóa học 2012 - 2016)
Buổi hòa nhạc gồm 09 tác phẩm ở các thể loại như Giao hưởng thơ (Poem Symphony); Thanh xướng kịch (Oratorio); Khúc phóng túng (Fantasia - Fantasie). Yêu cầu đối với học viên tốt nghiêp ngành sáng tác âm nhạc ở bậc đại học là có thể sáng tác khí nhạc. Tốt nghiệp đại học tối thiểu là phải viết được tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng một chương như giao hưởng thơ (Poem Symphony); hoặc giao hưởng nhiều chương (Symphony). Trong đó khuyến khích học viên có thể sáng tạo các phương thức trình bày tác phẩm. Chương trình đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nghiên cứu, kế thừa trường phái cổ điển tiêu biểu như J.S. Back; F. J. Haydz; W. A. Mozart; L.V Beethoven, trường phái âm nhạc lãng mạn như Franz Schubert; R. Wagner; J. Brahm; R. Schuman; hay Peter Ilyitch Tchaikovsky; H. Berlioz, Franz Liszt, C. Debussy, S. Prokofiev và D. Shostakovitch v.v....; Thể loại Oratorio với các tác phẩm đỉnh cao của F.U. Haydn.
Học viên Thong Văn Nam Mạ Vông chỉ huy dàn nhạc tác phẩm Giao hưởng thơ "Dòng sông quê hương"
Các tác phẩm sáng tác dự thi của các học viên năm nay phong phú, đa dạng hơn trong biên chế dàn nhạc như tác phẩm giao hưởng thơ “Những cánh hoa bất tử”của học viên Nguyễn Xuân Bình – Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân. Lấy chủ đề từ những cánh hoa được hái từ đôi bàn tay của mẹ, của những đồng đội trong thời bình thả xuống biển tri ân các liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma, tác phẩm đã chạm đến trái tim người nghe.
Fantasia – một hình thức sáng tác đề cao tột độ tính ngẫu hứng và sự phóng túng ở các giai đoạn vận động các chủ đề tạo nên sự tương phản trong tác phẩm. Trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào, sự tương phản là một thành tố đưa đến thành công; đối với một tác phẩm âm nhạc, yếu tố tương phản thường được thể hiện trong nghệ thuật biểu diễn. Các học viên sáng tác năm nay vận dụng linh hoạt yếu tố này thông qua các nhạc cụ điện tử được sử dụng hợp lý và kết hợp hiệu quả với dàn nhạc giao hưởng như tác phẩm dự thi của học viên Dương Cầm – Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long. Fantasia được khai thác nhằm tối ưu hóa tư duy sáng tạo của người sáng tác, bởi nghệ thuật là một ngôn ngữ toàn cầu có khả năng kết nối tất cả mọi người, đường dẫn tới giá trị của chúng chính là tính sáng tạo. Vì vậy, đối với những học viên có lợi thế về tư duy sáng tạo, các giảng viên hướng dẫn sẽ đề xuất vận dụng hình thức này khi sáng tác. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên luôn chú trọng nuôi dưỡng, khuyến khích sự sáng tạo cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm; đề xuất đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hàm lượng khoa học giáo trình, nhằm cập nhật kịp thời xu hướng âm nhạc trước sự bùng nổ mạnh mẽ công nghệ số hóa.Vấn đề toàn cầu hóa thông tin đã đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đối với công tác đào tạo Văn hóa nghệ thuật nói chung, sáng tác âm nhạc nói riêng. Bên cạnh công tác đào tạo chuyên sâu; kiến thức cơ sở ngành là yếu tố quan trọng để các sản phẩm sáng tạo đảm bảo tính học thuật. Nhà trường luôn khuyến khích học viên tìm tòi, thử nghiệm sáng tác cho các nhạc cụ truyền thống; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong sáng tác; nắm bắt cơ bản tính năng nhạc cụ phương tây, nhạc cụ truyền thống; khuyến khích học viên sáng tác cho hợp xướng hoặc ca khúc nghệ thuật có phần đệm piano; tạo điều kiện để cho các học viên dàn dựng các tác phẩm khí nhạc, đặc biệt là những sáng tác cho quân nhạc, quan tâm kịp thời về vật chất lẫn tinh thần đối với các học viên Quốc tế và những học viên có hoàn cảnh khó khăn trong học tập cũng như tổ chức biên chế dàn nhạc giao hưởng cho các tác phẩm dự thi. Kết quả tốt nghiệp có 04 học viên đạt loại xuất sắc (10 điểm) và 05 học viên đạt loại giỏi (từ 9 điểm đến 9,5 điểm).
Tác phẩm Giao hưởng thơ "Những cánh hoa bất tử" của học viên Nguyễn Xuân Bình
Đời sống văn hoá nghệ thuật Việt Nam ngày càng có những biểu hiện về hình thức và nội dung hết sức đa dạng, phong phú. Sự đa dạng, phong phú của đời sống âm nhạc cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần được quan tâm. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nói chung, Khoa Âm nhạc nói riêng không ngừng đổi mới công tác dạy và học nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động nghệ thuật chuyên ngành âm nhạc cho các đoàn văn công, các đơn vị văn hóa nghệ thuật trong và ngoài Quân đội. Cho đến nay, những nhạc sĩ, nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn trưởng thành từ khoa Âm nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã, đang, sẽ cống hiến cả về chất và lượng bằng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị phục vụ đời sống tinh thần quân dân theo suốt chiều dài lịch sử của Quân đội, của đất nước.
Tin: Phạm Phương Oanh
Ảnh: Chí Thông